Tây Ninh sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Tây Ninh sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Khởi công mở rộng Khu căn cứ lõm vùng ruột huyện Gò Dầu; Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh tổ chức Đại lễ Phật Đản năm 2020 - Phật lịch 2564 là tin văn hóa tiêu biểu tại tỉnh Tây Ninh mới đây.
Tây Ninh sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội
Thực hiện Công văn số 1377/BVHTTDL-VHCS ngày 07/4/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã có báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị trên.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện nay có tổng cộng 37 lễ hội được duy trì tổ chức, trong đó có 22 lễ hội dân gian, 09 lễ hội tôn giáo, 06 lễ hội truyền thống cách mạng và trên 30 lễ hội thuộc các thể loại khác như tín ngưỡng, lễ tế…, với quy mô tổ chức và tính chất khác nhau được diễn ra rải rác trong năm.
Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhìn chung qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân; nâng cao vai trò các ngành, các cấp trong việc quản lý và tổ chức lễ hội.
Nhìn chung các lễ hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua được diễn ra bài bản, chặt chẽ hơn, đảm bảo các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách; nội dung lễ hội luôn được đảm bảo theo quy định; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội được nâng cao; không còn xảy ra việc sử dụng biểu tượng, hiện vật, linh vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại lễ hội; việc tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội đảm bảo các điều kiện về kinh doanh theo quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm nội quy của Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích; việc quản lý thu, chi tiền công đức, tài trợ trong tổ chức hoạt động lễ hội được đảm bảo công khai, minh bạch, có sổ sách rõ ràng.
Hòm (thùng) công đức tại các lễ hội được đặt tại chính điện của nơi thờ tự và do Ban Tổ chức lễ hội có trách nhiệm giám sát; vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông trong lễ hội đều được các địa phương thực hiện nghiêm túc và chu đáo. Hạn chế tối đa và không để xảy ra các trường hợp đổi tiền lẻ, bán đồ mã, treo bán thực phẩm tươi sống, xem bói, ăn xin trong khu vực lễ hội, không có hiện tượng chèo kéo khách hoặc nâng giá tùy tiện; các phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh.
Môi trường văn hóa được cải thiện, công tác quản lý và tổ chức lễ hội được quan tâm thực hiện, từng bước được đầu tư cơ sở vật chất gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh. Tại các địa điểm tổ chức lễ hội đều có bố trí nhà vệ sinh, thùng rác công cộng và tổ chức thu gom tiêu hủy, xử lý rác thải theo quy định. Ban Tổ chức lễ hội đã vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, hạn chế thắp hương trong khu vực lễ hội nhằm đảm bảo vệ sinh và cảnh quan môi trường.
Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân; giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh người có công với dân, với nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Khởi công mở rộng Khu căn cứ lõm vùng ruột huyện Gò Dầu
Vừa qua, Ban quản lý dự án đầu tư huyện Gò Dầu đã khởi công mở rộng Khu di tích lịch sử căn cứ lõm vùng ruột (ấp Phước Bình A, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh)
Đây là công trình dân dụng cấp II, được tiến hành thi công cải tạo hàng rào sắt, cổng phụ, cổng chính, xây mới mái cổng chính hướng Nam; cải tạo hàng rào lưới kẽm B40; phá dỡ hàng rào hiện trạng lưới B40 đoạn tiếp giáp khu đất mở rộng; sửa chữa sân lễ, nhà truyền thống; xây dựng mới trên khu mở rộng và mở rộng nhà vệ sinh.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 12,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Dầu là đơn vị làm chủ đầu tư công trình, Công ty TNHH Thành Lợi thi công xây dựng. Dự kiến công trình mở rộng Khu di tích lịch sử căn cứ lõm vùng ruột thi công từ nay cho đến tháng 12.2020.
Được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vùng căn cứ địa kháng chiến Tây Ninh có tầm quan trọng đặc biệt của một vùng căn cứ chiến lược, được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cho một số cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam Việt Nam, giữ vai trò là "căn cứ đầu não của B2 và của miền Nam", "trở thành trung tâm chính trị của cuộc kháng chiến ở miền Nam", được mệnh danh là "Thủ đô kháng chiến của miền Nam"… Trong các căn cứ ở Tây Ninh thì căn cứ lõm Gò Dầu là căn cứ có vị trí rất quan trọng.
Ở Gò Dầu, căn cứ lõm được xác định ở các xã Thanh Phước, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Bàu Đồn và Phước Thạnh. Nhưng địa điểm Huyện ủy và Huyện đội Gò Dầu bám trụ dài ngày nhất, trong những thời điểm khó khăn quyết liệt nhất và sáng tạo ra nhiều cách đánh để chỉ đạo hai lần "Quyết tử giữ Gò Dầu" tại Phước Bình, xã Phước Thạnh. Do vậy địa điểm ấp Phước Bình, xã Phước Thạnh được chọn làm "Căn cứ Lõm vùng ruột Gò Dầu". Căn cứ lõm Gò Dầu thuộc Ấp Bình Phước A, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thị trấn Gò Dầu khoảng 5 km. Căn cứ có diện tích 23.542,5 km2.
Di tích căn cứ lõm vùng ruột Gò Dầu được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, tại Quyết định số: 62/2003/QĐ-BVHTT, ngày 27/11/2003 của Bộ Văn hóa Thông tin. Và ngày 30/4/2004, tại xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức đón nhận di tích lịch sử huyện ủy Gò Dầu được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây chính là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và Dân tây Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, truyền lửa cho thế hệ mai sau những gì mà ông cha ta đã làm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh tổ chức Đại lễ Phật Đản năm 2020 - Phật lịch 2564
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) và chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2020 – Phật lịch 2564 với quy mô dưới 30 người. Đại lễ được diễn ra với sự tham dự của quý Hòa thượng là ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN và Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh.
Đại lễ Phật đản năm 2020- Phật lịch 2564 đã diễn ra nhanh gọn và trang nghiêm với các nghi thức tuyên đọc Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ GHPGVN, diễn văn Phật đản của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, ý nghĩa Phật đản của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN… Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định, Ban trị sự GHPGVN tỉnh yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách 1 m giữa các tu sĩ…
Nhân dịp này, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, thành phố Tây Ninh cũng đã tặng nhiều lẵng hoa và phần quà chúc mừng Đại lễ Phật đản năm 2020–Phật lịch 2564. Đặc biệt, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi đến Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tây Ninh thiệp chúc mừng nhân dịp Đại lễ Phật đản 2020.