Tây Ninh: Truy điệu, an táng 172 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia

Tại Tây Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức lễ truy điệu và an táng 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Sáng 24/7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ viếng nghĩa trang liệt sỹ Đồi 82, Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Dự Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia có ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Tây Ninh.

Trong đợt này, với sự hỗ trợ tích cực của Campuchia, các đơn vị của Việt Nam đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 172 hài cốt liệt sỹ.

Lễ truy điệu và an táng 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Lễ truy điệu và an táng 172 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

Đọc điếu văn truy điệu, ông Nguyễn Hồng Than, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ tỉnh nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh khắc ghi những công lao to lớn của các Anh hùng, liệt sỹ.

Các Anh hùng, liệt sỹ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, tên và những chiến công oanh liệt của các anh sống mãi với thời gian.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đưa hài cốt liệt sỹ về đất mẹ.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đưa hài cốt liệt sỹ về đất mẹ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 24/6/1967, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung chiến hào, đánh bại chế độ thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, kề vai sát cánh lật đổ chế độ diệt chủng Khơ me Đỏ, hồi sinh đất nước Campuchia.

Lịch sử hào hùng của Tây Ninh và Trung ương Cục miền Nam đã minh chứng những năm tháng đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ và thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng của hai nước.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của hai Đảng, Chính phủ và Nhân dân hai nước. Quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước thời gian qua giữ được đà phát triển ổn định.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ngày 12 - 13/7 vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Campuchia.

Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì tiếp xúc, trao đổi thường xuyên, các cơ chế hợp tác song phương tiếp tục phát huy hiệu quả; hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đối ngoại "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thông, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" với Campuchia.

"Chúng ta trân trọng tình đoàn kết, sự chung vai, sát cánh bên nhau giữa hai dân tộc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vì độc lập tự do, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng Campuchia vun đắp mối quan hệ hai nước, hai dân tộc ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Trong đợt này, có 172 hài cốt liệt sĩ được trở về đất mẹ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82.

Trong đợt này, có 172 hài cốt liệt sĩ được trở về đất mẹ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82.

"Chúng ta càng trân trọng hơn mối quan hệ gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong lịch sử đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước của hai nước, hai dân tộc", ông Nghĩa nhấn mạnh và đề nghị địa điểm căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1962 - 1975 là nơi ghi dấu sự kiện mang nhiều giá trị lịch sử, góp phần tích cực giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho mỗi người Việt Nam.

Để bảo tồn, lưu giữ giá trị lịch sử của di tích, ông Nghĩa cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Tây Ninh và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về nội dung của Luật Di sản văn hóa, để nhân dân cùng tham gia bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Đồng thời phối hợp với ngành du lịch, với các cơ quan thông tin truyền thông kết nối di tích với các di tích khác trong tỉnh, trong vùng nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng hướng dẫn tham quan để du khách và nhân dân hiểu thẩm thấu sâu sắc hơn giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị toàn ngành Tuyên giáo cần chủ động, tích cực hơn nữa trong tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy đảng các cấp các giải pháp về công tác tuyên giáo; làm cho công tác tuyên giáo gắn chặt và bám chắc với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng, kịp thời giải đáp đúng và trúng những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội...

Hoàng Thọ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tay-ninh-truy-dieu-an-tang-172-hai-cot-liet-si-hy-sinh-tai-campuchia-ar885131.html