Tây Phi ra tối hậu thư với nhóm đảo chính Niger, Đại sứ quán Pháp bị tấn công

Hôm Chủ nhật (30/7), các quốc gia Tây Phi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và đe dọa sử dụng vũ lực nếu các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính của Niger không phục hồi chức vụ cho Tổng thống Mohammed Bazoum trong vòng một tuần.

Phản ứng của Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 quốc gia đối với cuộc đảo chính diễn ra trong lúc đám đông ở thủ đô Niamey của Niger đốt cờ Pháp và ném đá vào Đại sứ quán Pháp, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay. Hình ảnh cho thấy các bức tường của Đại sứ quán Pháp bị cháy và những người được đưa lên xe cứu thương với đôi chân đẫm máu.

 Đám đông người biểu tình tấn công Đại sứ quán Pháp tại Niger. Ảnh: Reuters

Đám đông người biểu tình tấn công Đại sứ quán Pháp tại Niger. Ảnh: Reuters

Tại một cuộc họp khẩn cấp ở Nigeria để thảo luận về cuộc đảo chính, các nhà lãnh đạo ECOWAS đã kêu gọi khôi phục trật tự hiến pháp, cảnh báo về các biện pháp đáp trả cứng rắn. "Các biện pháp như vậy có thể bao gồm việc sử dụng vũ lực", thông cáo cuộc họp cho biết.

Tổng thống Chad Mahamat Idriss Deby, người lên nắm quyền vào năm 2021 sau một cuộc đảo chính, đã gặp người đồng cấp Nigeria Bola Tinubu bên lề cuộc họp và tình nguyện nói chuyện với các nhà lãnh đạo quân sự ở Niger.

ECOWAS và Liên minh tiền tệ và kinh tế Tây Phi gồm 8 thành viên cho biết biên giới của họ với Niger sẽ bị đóng cửa ngay lập tức; các chuyến bay thương mại bị cấm, các giao dịch tài chính bị tạm dừng, tài sản quốc gia bị đóng băng và việc viện trợ cho Niger cũng bị chấm dứt.

Tuyên bố cho biết thêm, các quan chức quân sự liên quan đến cuộc đảo chính sẽ bị cấm đi lại và tài sản của họ bị đóng băng.

 Đoàn người ủng hộ nhóm quân đội đảo chính biểu tình tại thủ đô Niamey của Niger vào ngày 30 tháng 7 năm 2023. Ảnh: Reuters

Đoàn người ủng hộ nhóm quân đội đảo chính biểu tình tại thủ đô Niamey của Niger vào ngày 30 tháng 7 năm 2023. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou cho biết các biện pháp trừng phạt của ECOWAS sẽ là “thảm họa” vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác quốc tế để trang trải các nhu cầu ngân sách của mình.

"Tôi biết sự mong manh của Niger, tôi biết bối cảnh kinh tế và tài chính của Niger bởi từng là Bộ trưởng Tài chính và giờ là Thủ tướng", Mahamadou, người đang ở nước ngoài khi cuộc đảo chính xảy ra, nói với đài truyền hình France24 từ Paris.

Niger là một đồng minh quan trọng trong các chiến dịch của phương Tây chống lại quân nổi dậy có liên hệ với các tổ chức khủng bố al-Qaeda và IS ở Sahel. Theo Ngân hàng Thế giới, Niger cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD hỗ trợ phát triển mỗi năm.

Mỹ, Pháp, Ý và Đức đều có quân đội ở đó để huấn luyện quân sự và thực hiện các nhiệm vụ chống lại các chiến binh khủng bố. Niger là nước sản xuất uranium lớn thứ bảy trên thế giới, kim loại phóng xạ được sử dụng cho năng lượng và vũ khí hạt nhân, cũng như để điều trị ung thư.

Bùi Huy (theo France24, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tay-phi-ra-toi-hau-thu-voi-nhom-dao-chinh-niger-dai-su-quan-phap-bi-tan-cong-post258463.html