Tay súng bắn hơn 70 phát đạn vào đám đông trong ngày Quốc khánh Mỹ
Những tiếng pháo hoa đáng ra để ăn mừng trong ngày Quốc khánh Mỹ giờ lại trở thành âm thanh nhắc nhở nhiều người về sự chia rẽ và bạo lực súng đạn.
“Đoàng, đoàng, đoàng!”, dọc theo Quảng trường Quốc gia ở Washington, các gia đình đang tận hưởng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đột nhiên hoảng loạn vì tưởng tiếng pháo nổ là tiếng súng.
Tại trung tâm thành phố Orlando, những tiếng nổ bất chợt cũng khiến đám đông giật mình và tháo chạy. Cảnh sát sau đó phải thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng: “Không ghi nhận bất cứ bằng chứng nào về một vụ nổ súng trong khu vực”.
Tuy nhiên, vào buổi tối cùng ngày tại khu phố trung tâm Philadelphia, những âm thanh tương tự ấy lại vang lên, nhưng lần này không phải pháo hoa, mà là tiếng xả súng thực sự, khiến hai cảnh sát bị thương.
Chỉ mới vài giờ trước đó, Robert E. Crimino III (22 tuổi), đã bắn hơn 70 phát đạn trong buổi diễu hành mừng ngày Quốc khánh ở Highland Park, bang Illinois, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Hàng nghìn người đang trong tâm trạng ăn mừng ngày lễ trở nên khiếp sợ tột độ.
Aiden McCarthy, bé trai 2 tuổi được phát hiện đi lang thang trên phố trong vụ xả súng ở Highland Park, đã trở thành em bé mồ côi sau ngày 4/7 vì cha mẹ của em đã bị bắn chết. "Lát cắt" đầy nhức nhối từ vụ xả súng hàng loạt này hẳn sẽ để lại nỗi ám ảnh dai dẳng trong lòng nhiều người dân Mỹ trong khi bạo lực súng đạn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những sự kiện này cho thấy người Mỹ, vốn bị chia rẽ bởi biến động xã hội, đang trở nên ngày càng lo lắng, bất an.
Một thế hệ "vô cảm" với thông tin về bạo lực
"Nước Mỹ đang cảm thấy bất an sau khi khủng hoảng Covid-19 và vụ cảnh sát ghì chết người da đen George Floyd khiến người dân mất lòng tin vào lực lượng hành pháp", Thane Rosenbaum, người điều hành Diễn đàn về Đời sống, Văn hóa và Xã hội tại Đại học Touro (New York), cho biết.
"Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng đạo đức. Phụ nữ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn vì quyết định của Tòa án Tối cao về việc phá thai. Những người khác cảm thấy dễ bị tổn thương hơn vì giá xăng tăng cao. Mọi người không thấy lối thoát”, ông nói.
Dù vậy, tin tốt lành trong ngày Quốc khánh lần thứ 246 của nước Mỹ là nhiều người đã cảm thấy “đủ an toàn" để ra đường tham gia các cuộc diễu hành, hòa nhạc, trình diễn pháo hoa. Gần như tất cả sự kiện trên toàn quốc diễn ra mà không gặp trở ngại nào.
Tại Quảng trường Quốc gia Washington, Rachael Perrotta và Andrew Hu, hai sinh viên 20 tuổi, cho biết họ không có lý do gì rời khỏi đám đông ngay cả khi nghe tin về vụ xả súng ở Highland Park.
Cha mẹ họ đã liên lạc, bày tỏ lo lắng khi họ tham gia sự kiện giữa một thành phố lớn. Thế nhưng, Perrotta, lần đầu tiên ăn mừng lễ kỷ niệm ngày 4/7 tại Washington, cho biết thế hệ cô đã “vô cảm” với các thông tin về bạo lực.
“Chúng tôi lớn lên cùng những điều này”, cô nói.
Dù vậy, sự cảnh giác vẫn xuất hiện trong các đám đông dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Mỹ. Brenda Herrara và Laleh Omaraie, 26 tuổi, giáo viên đến từ Chicago, tham gia lễ kỷ niệm tại Quảng trường Quốc gia năm nay. Họ cho biết bản thân luôn đề phòng với nguy cơ xả súng sau nhiều vụ việc.
Đó là dường như là tâm trạng chung của người Mỹ trong bầu không khí căng thẳng hiện nay. Herrara kể lại sáng hôm đó, khi một người mở túi khoai tây chiên trên tàu điện ngầm, âm thanh đã khiến nhiều hành khách hoảng sợ nhảy dựng lên.
Video về đám đông hoảng loạn chạy trốn trên đường phố Mỹ khi nghe thấy âm thanh như tiếng súng đã trở thành chủ đề nóng trên các phương tiện xã hội.
Từ Washington, Philadelphia và Highland Park, những thước phim cho thấy ban đầu, mọi người nhìn người thân, bạn bè, những người lạ xung quanh, trước khi quyết định có nên bỏ chạy hay không. Họ gần như tin vào phản ứng của đám đông hơn cả bản năng sinh tồn.
"Tôi luôn trong tâm thế chờ đợi điều tồi tệ xảy ra"
Tại Philadelphia vào hôm 4/7, tiếng súng đã dẫn đến cảnh náo loạn khi những chạy trốn đâm sầm vào nhau, đẩy ngã và thậm chí ép những người khác vào hàng rào an ninh.
Cảnh sát cho biết họ vẫn chưa xác định được ai đã bắn súng và liệu vụ việc có nhằm cụ thể vào đối tượng nào hay không, hay chỉ là một sai sót trong buổi lễ.
Hai sĩ quan bị thương đã được điều trị tại bệnh viện và được cho về, nhưng vụ việc khiến Thị trưởng Jim Kenney hoang mang đến nỗi ông nói với các phóng viên vào tối 4/7 rằng ông mong mình không phải là thị trưởng.
“Thật điên rồ. Mỹ là quốc gia có nền quân sự hàng đầu thế giới, nhưng lại là một trong những nước kém an toàn nhất. Tôi luôn trong tâm thế chờ đợi điều tồi tệ xảy ra", Thị trưởng Philadelphia Jim Kenney nói.
Mặc dù Mỹ từng trải qua giai đoạn có tỷ lệ tội phạm cao hơn nhiều và chia rẽ chính trị sâu sắc, “chúng tôi đang ở trong trạng thái bất an chưa từng có tiền lệ", Chuck Wexler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Nghiên cứu Cảnh sát, cho biết.
“Với vụ sát hại George Floyd, xung đột Ukraine, nghi vấn bầu cử, người dân không còn biết tin ai. Ai có thể nghĩ rằng ở một nơi mang tính biểu tượng như Highland Park sẽ có tay súng bắn tỉa trên tầng thượng vào đúng ngày 4/7? Nhưng đó là những gì đã xảy ra”, ông nói. “Không còn bất cứ cảm giác an toàn nào nữa".
Sự lo lắng của người Mỹ đã trở nên trầm trọng hơn trong những tuần gần đây, trước lời đe dọa chống lại cuộc diễu hành Pride Parade (Diễu hành Tự hào) của cộng đồng LGBT ở Idaho, Bắc Carolina và các bang khác. Hay mới đây, thành phố Akron cũng đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sau khi hàng trăm người biểu tình phản đối việc cảnh sát bắn chết người đàn ông da đen bằng hàng chục viên đạn.
“Chúng ta đang mất phương hướng, không thể nói cùng một ngôn ngữ hay nhận ra cùng một sự thật”, nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt viết trên tờ Atlantic.
Theo Washington Post, người Mỹ ngày càng mất niềm tin vào nhau, cũng như vào các tổ chức, cơ quan vốn nên gắn kết người dân, như chính phủ, cảnh sát, trường học, giới chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, hay thậm chí cả đức tin tôn giáo.
Vì vậy, khi có nguy cơ xảy ra điều gì đó đáng sợ, đặc biệt ở chốn đông người, niềm tin rằng mọi thứ đều sẽ ổn không còn nữa.
"Nhiều người giờ đây khao khát về một nước Mỹ mà họ có thể tin tưởng rằng chính phủ sẽ bảo vệ được người dân", theo chuyên gia Rosenbaum.
Xây dựng lại lòng tin
Ông Wexler cho biết những phản ứng hoảng sợ trên đường phố khi nghe thấy tiếng pháo phản ánh việc người dân không còn tin cảnh sát có thể đảm bảo an toàn cho họ. Nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho cảnh sát Mỹ tạo dựng lại lòng tin đối với công chúng.
Khi cảnh sát phản ứng nhanh chóng và hiệu quả, bằng cách bắt giữ kẻ xả súng ở Highland Park vào đêm 4/7, “đó là cơ hội để những cảnh sát giỏi bắt đầu lấy lại niềm tin của người dân”, ông Wexler nói.
Theo các chuyên gia, trong một thế giới mà các thông tin hỗn loạn được lan truyền gần như ngay lập tức trên mạng xã hội, phản hồi nhanh chóng là chìa khóa xoa dịu hoặc ngăn chặn nỗi hoảng loạn.
Ở Washington vào ngày 4/7, một số cuộc biểu tình đã nổi lên nhằm chống lại việc Tòa án Tối cao lật ngược vụ Roe v. Wade và bảo vệ quyền phá thai, cũng như chống vaccine.
Một số người trong đám đông nói rằng họ lo lắng về một cuộc tấn công khác như cuộc nổi dậy ngày 6/1/2021 ở Điện Capitol. Nhưng những người khác nói rằng họ cảm thấy an toàn vì sự hiện diện của nhiều cảnh sát ngay gần nơi đám đông biểu tình.
“Tôi thấy rất nhiều sĩ quan xung quanh”, Kelly Silva, 38 tuổi, nói khi cô ngồi giữa một lùm cây gần Đài tưởng niệm Washington.
Silva, một cư dân khác rất vui khi được quay lại xem pháo hoa bởi với cô, "mọi thứ đang trở lại bình thường".
“Hai năm trước, mọi người đều sợ hãi, nhưng bây giờ tất cả đã trở lại. Chúng tôi có thể cười và ăn mừng như trước đây”, cô nói.