TDM Water (TDM) dự định chi 300 tỷ để mở rộng 'lãnh địa' phía Nam
Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (TDM Water, HoSE: TDM) vừa công bố nghị quyết chào mua công khai cổ phiếu CTW của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ (UPCoM: CTW), nhằm mục đích mở rộng địa bàn hoạt động của công ty.
Chi gần 140 tỷ đồng cho thương vụ “thâu tóm” cổ phiếu CTW
Công ty CP Nước Thủ Dầu Một dự kiến chào mua 6,82 triệu cổ phiếu CTW, tương đương 24,46% cổ phiếu đang lưu hành của Cấp thoát nước Cần Thơ với giá 20.360 đồng/cp. Tổng chi phí rơi vào 139 tỷ đồng.
Thương vụ sẽ được thực hiện trong năm 2024, trong khoảng 30 - 60 ngày giao dịch từ ngày bắt đầu nhận đăng ký bán, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.
Về nguyên tắc, mức giá chào mua không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân của cổ phiếu CTW trong 60 ngày giao dịch trước ngày gửi giấy đăng ký chào mua công khai. Do đó, trong quá trình mua, TDM Water có thể điều chỉnh giá chào mua để đảm bảo lợi ích của công ty và tuân thủ quy định pháp luật.
Sau khi có thông tin, cổ phiếu CTW lập tức tăng giá, sau 3 tháng, mã này đã 'leo dốc' 73%. Dựa vào nguyên tắc chào mua và đà tăng của cổ phiếu CTW, không loại trừ khả năng TDM Water phải chi nhiều hơn dự kiến ban đầu để hoàn tất thương vụ.
Được biết, TDM Water dự định dùng một phần trong số tiền 300 tỷ đồng huy động từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hồi đầu năm để tài trợ cho việc mua cổ phần này. Trong trường hợp vượt quá số nguồn từ đợt chào bán, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung.
Còn nếu có nhiều cổ phiếu đăng ký bán hơn số lượng chào mua, TDM Water sẽ mua theo tỷ lệ tương ứng với số cổ phiếu mỗi cổ đông đăng ký bán. Doanh nghiệp cũng có quyền rút lại việc chào mua trong một số trường hợp nhất định như: Cấp thoát nước Cần Thơ tăng/giảm số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết, phát hành cổ phiếu/trái phiếu chuyển đổi/trái phiếu kèm chứng quyền hoặc quyền chọn mua, bán tài sản công ty có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.
Trong khi đó, 2 tháng trước, TDM Water từng thông báo chào mua cổ phiếu CTW với giá 17.400 đồng/cp, nhưng không thực hiện được và lý do cũng không được tiết lộ. Còn về phía Cấp thoát nước cần thơ, HĐQT doanh nghiệp này cho hay không phản đối thương vụ này vì đây là nhu cầu của TDM Water và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Lãi quý I/2024 "bốc hơi" 71%
Công ty liên kết của TDM Water là Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HOSE: BWE) hiện đang là cổ đông lớn thứ hai tại Cấp thoát nước Cần Thơ với tỷ lệ sở hữu 24,64%. Như vậy, nếu thành công 'chen chân' vào ghế cổ đông của Cấp thoát nước Cần Thơ, TDM Water sẽ gián tiếp 'thâu tóm' 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Đồng thời, với vị thế là cổ đông lớn nhất (nắm 37,43% vốn điều lệ) của Biwase, tỷ lệ lợi ích của TDM Water tại Cấp thoát nước Cần Thơ sẽ lên tới 33,58%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sức ảnh hưởng của TDM Water tại khu vực phía Nam sẽ ngày càng được củng cố.
Trước đó, TDM Water đã chi gần 55 tỷ đồng cho 24,39% cổ phần của Công ty CP Cấp nước Cà Mau (UPCoM: CMW), trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại doanh nghiệp này và chính thức có mặt tại Cà Mau.
Trong diễn biến khác, thông qua 5 công ty liên kết, doanh nghiệp này đã mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài 'quê nhà' Bình Dương và hiện diện tại một loat tỉnh thành như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ,...
Trong quý I/2024, Nước Thủ Dầu Một ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 106,2 tỷ đồng, tăng hơn 5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng 7% lên 57,3 tỷ đồng.Doanh thu hoạt động tài chính kỳ này "bốc hơi" 98%, còn gần 2 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước, Nước Thủ Dầu Một báo lãi 94,2 tỷ đồng.
Giải trình về doanh thu hoạt động tài chính, Nước Thủ Dầu Một cho biết, do trong quý I/2023, doanh nghiệp ghi nhận 93,8 tỷ đồng tiền cổ tức từ CTCP -Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase).
Trong khi đó, quý I này, Nước Thủ Dầu Một không ghi nhận khoản cổ tức bằng tiền mặt nào từ Biwase. Dự kiến, trong năm 2024, Biwase sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu.Chi phí tài chính quý I/2024 giảm 9% còn 4,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên 4,3 tỷ đồng.
Kết quả, Nước Thủ Dầu Một báo lãi trước thuế 41,9 tỷ đồng, lãi sau thuế 37,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 68% và 71% so với năm trước.Năm 2024, Nước Thủ Dầu Một thông qua kế hoạch năm với doanh thu đạt 519,8 tỷ đồng, đạt 79% so với thực hiện năm 2023 và mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 192,7 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện năm 2023.
Như vậy, tính đến hết quý I, Nước Thủ Dầu Một thực hiện được 19% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm.Tại ngày 31/1/2024, tổng tài sản của Nước Thủ Dầu Một ở mức 3.033 tỷ đồng, tăng 17% so với số đầu năm. Trong đó, trữ tiền ở mức 511,9 tỷ đồng, tăng 241% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng gấp 42 lần, từ gần 2,1 tỷ đồng lên 85,6 tỷ đồng.
Hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của Nước Thủ Dầu Một ở mức 681,7 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Dư nợ tài chính của Nước Thủ Dầu Một là 411,3 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm 2024.