Tê giác kỷ Băng hà vẫn còn nguyên nội tạng được tìm thấy ở vùng cực bắc của Nga
Lớp băng vĩnh cửu ở Siberia tan chảy do biến đổi khí hậu đã làm xuất lộ xác con tê giác lông cừu từ kỷ Băng hà được bảo quản hoàn hảo, vẫn còn nguyên nội tạng và mô mềm.
Một con tê giác lông cừu non thời kỳ Băng hà được bảo quản tốt với nhiều cơ quan nội tạng vẫn còn nguyên vẹn đã được tìm thấy từ lớp băng vĩnh cửu ở vùng đông bắc Yakutia, Nga.
Truyền thông Nga hôm 30/12 đưa tin, xác tê giác xuất lộ và được phát hiện vào tháng 8, do lớp băng vĩnh cửu tan chảy. Các nhà khoa học đang chờ đợi những con đường băng ở vùng Bắc Cực trở nên thông suốt để đưa con vật tới phòng thí nghiệm để nghiên cứu vào tháng Giêng.
Đây được coi là xác tê giác được bảo quản tốt nhất cho đến nay. Hầu hết các mô mềm vẫn còn nguyên vẹn, bao gồm một phần ruột, lớp lông dày, mỡ và sừng.
Trong những năm gần đây, khi lớp băng vĩnh cửu dần tan chảy do sự nóng lên toàn cầu, trên khắp các khu vực rộng lớn của Siberia, đã phát hiện nhiều xác động vật thời tiền sử từ Thế Pleistocen, bao gồm voi ma mút, tê giác lông cừu, sư tử Châu Âu, bò rừng, ngựa, sói lớn và một con ngựa Lena sống cách đây 42.000 năm được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu ở miệng núi lửa Batagaika, Yakutia.
Yakutia 24 TV dẫn lời nhà cổ sinh vật học Valery Plotnikov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói, con tê giác lông cừu khoảng ba, bốn tuổi có khả năng đã bị chết đuối.
Các nhà khoa học xác định niên đại của thân thịt từ 20.000 - 50.000 năm trước. Việc xác định niên đại chính xác hơn sẽ có thể thực hiện được khi các nghiên cứu về cacbon phóng xạ được thực hiện tại phòng thí nghiệm.
Xác chết được tìm thấy trên bờ sông Tirekhtyakh, thuộc quận Abyisk, gần khu vực nơi một con tê giác lông cừu non khác được tìm thấy vào năm 2014. Các nhà nghiên cứu xác định niên đại của mẫu vật đó, họ gọi là Sasha, 34.000 năm tuổi.