Tê giác trắng đực cuối cùng Sudan và nỗ lực cứu loài vật khỏi tuyệt chủng
Hình vẽ trên trang chủ tìm kiếm của Google hôm nay tưởng nhớ Sudan, con tê giác trắng phương bắc đực cuối cùng.
Video: Hình ảnh tê giác trắng đực cuối cùng trên thế giới
Tê giác trắng đực cuối cùng được biết đến như “người khổng lồ hiền lành”.
Vào ngày này năm 2009, Sudan và ba con tê giác trắng phương Bắc khác đến ngôi nhà mới của chúng ở Ol Pejeta Conservancy, một khu bảo tồn động vật hoang dã ở Kenya. Sudan chết năm 2018, 45 tuổi (tương đương với 90 tuổi của con người), là một biểu tượng đáng trân trọng trong nỗ lực bảo tồn tê giác, và là lời nhắc nhở về nguy cơ tuyệt chủng mà nhiều loài đang phải đối mặt ngày nay.
Theo các nhà nghiên cứu, nó chết do nhiều biến chứng liên quan đến tuổi tác.
Sudan sinh ra ở Shambe, ngày nay là Nam Sudan vào năm 1973. Nó được cho là con tê giác trắng phương Bắc cuối cùng sinh ra trong tự nhiên. Năm 1976, nó được đưa đến vườn thú Dvůr Králové ở Czech, có chiều cao 1,8 m và nặng khoảng 2.200 kg (tương đương trọng lượng của một chiếc ô tô hạng trung) và có hai tê giác con.
Năm 2009, sau khi loài tê giác trắng phương Bắc bị tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên, bốn tê giác gồm Sudan, tê giác con Najin và tê giác cháu Fatu được chuyển trở lại môi trường sống bản địa ở châu Phi. Các nhà bảo tồn hy vọng rằng môi trường tự nhiên ở Kenya của Khu bảo tồn Ol Pejeta sẽ khuyến khích việc sinh sản giữa tê giác, nhưng trong vài năm, các bác sĩ thú y đưa ra kết luận, có thể chúng sẽ không thể sinh sản tự nhiên.
Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng với các loài đang bên bờ vực tuyệt chủng khi các nhà khoa học đang nỗ lực phát triển các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện tại, di sản của Sudan còn lại Najin và Fatu, hai con tê giác trắng phương bắc cuối cùng trên thế giới.