Tê tay buổi sáng, người phụ nữ 58 tuổi đột quỵ nặng vì chủ quan với 3 thói quen quen thuộc
Chỉ vài phút sau khi tỉnh giấc, bà Vân phát hiện tay trái mất cảm giác, nửa người không cử động được. Cơn đột quỵ ập đến bất ngờ, bắt nguồn từ ba thói quen buổi sáng tưởng như vô hại mà ai cũng từng mắc.
Một cơn tê rần tay trái vào buổi sáng đã trở thành dấu hiệu báo động cho một biến cố sức khỏe nghiêm trọng đối với bà Yên Vân (58 tuổi, sống tại Trung Quốc). Không ngờ, ba thói quen hàng ngày tưởng chừng vô hại lại chính là nguyên nhân khiến bà suýt mất mạng vì đột quỵ.
Cơn tê tay vào sáng sớm và kết cục không ngờ
Theo thông tin từ trang Sohu, vào một buổi sáng như mọi ngày, bà Vân thức dậy và phát hiện tay trái gần như mất cảm giác, nửa người bên trái không thể cử động. Gia đình nhanh chóng đưa bà đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bà bị đột quỵ do nhồi máu não – một dạng đột quỵ nguy hiểm, đòi hỏi điều trị khẩn cấp.
Bà Vân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết và may mắn giữ được tính mạng. Tuy nhiên, hậu quả để lại không hề nhẹ: chức năng vận động bên trái cơ thể bị tổn thương nghiêm trọng, đến mức việc cầm ly nước cũng trở nên khó khăn.
“Tôi gần như không thể tự chăm sóc bản thân. Điều này còn đau khổ hơn cả bệnh tật. Tôi cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Nếu biết tê tay là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, tôi đã đi khám sớm. Giờ thì quá muộn và tôi rất hối hận”, bà chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ba thói quen âm thầm gây hại sức khỏe
Qua quá trình điều tra bệnh sử, bác sĩ phát hiện bà Vân duy trì một số thói quen không tốt kéo dài nhiều năm, trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ:
Chế độ ăn mặn, nhiều dầu mỡ: Bà có thói quen ăn mặn và ưa thích các món chiên rán, gây tích tụ mỡ xấu, làm tăng huyết áp – nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Lười vận động: Bà hầu như không có hoạt động thể chất nào trong nhiều năm, dẫn đến tình trạng tuần hoàn máu kém và nguy cơ tích tụ cục máu đông.
Chủ quan với dấu hiệu cảnh báo: Nửa năm trước khi xảy ra đột quỵ, bà đã có triệu chứng tê tay nhưng chỉ nghĩ là do tuổi tác, chọn phương án xoa bóp thay vì đến bệnh viện kiểm tra.
Sau đột quỵ: Ăn uống thế nào để phục hồi và phòng tái phát?
Với những người từng trải qua đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ nhồi máu não, chế độ ăn uống đóng vai trò quyết định trong việc phục hồi chức năng và phòng ngừa biến chứng. Dưới đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng:
Giảm muối và dầu mỡ: Hạn chế sử dụng muối trong chế biến và tránh xa các món chiên rán. Ưu tiên các phương pháp chế biến lành mạnh như hấp, luộc hoặc nướng không dầu.
Bổ sung rau xanh, trái cây tươi: Tăng cường chất xơ, vitamin giúp hỗ trợ tuần hoàn máu và bảo vệ hệ tim mạch.
Ưu tiên chất béo tốt: Các loại cá giàu omega-3 như cá hồi, cá thu có tác dụng chống viêm, cải thiện chức năng mạch máu.
Chọn protein lành mạnh: Từ thịt nạc, trứng, đậu phụ, các loại đậu… giúp xây dựng cơ bắp và phục hồi vận động.
Uống đủ nước, tuyệt đối tránh rượu bia: Duy trì đủ lượng nước giúp ngăn ngừa huyết khối, đồng thời tránh các chất kích thích ảnh hưởng đến tim mạch.
Chia nhỏ bữa ăn, ăn đúng giờ: Giúp kiểm soát cân nặng và giảm áp lực lên hệ tiêu hóa – tim mạch.
Ngoài ra, việc luyện tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn bác sĩ, tái khám định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh là điều kiện tiên quyết để người bệnh phục hồi lâu dài và phòng ngừa đột quỵ tái phát.