Tề Thiên Đại Thánh - Tôn Ngộ Không được dựng nên nhờ nguyên mẫu nào trong lịch sử?
Nhờ bộ phim 'Tây Du Ký' được dựng lại từ truyện gốc, hình tượng Tôn Ngộ Không đã ăn sâu vào tâm trí rất nhiều người, thậm chí là tuổi thơ của cả 1 thế hệ. Tuy nhiên, người ta vẫn luôn thắc mắc không biết Ngô Thừa Ân xây dựng nhân vật này dựa trên nguyên mẫu nào trong lịch sử.
Tôn Ngộ Không, còn gọi là Tề Thiên Đại Thánh, là nhân vật chính trong tiểu thuyết "Tây du ký", nhân vật giả tưởng có thể được xem là nổi tiếng nhất trong văn học Trung Hoa.
"Tây Du Ký" thuật lại cuộc phiêu lưu của Tôn Ngộ Không từ lúc mới sinh ra, đặc biệt là chuyện Tôn Ngộ Không theo làm đệ tử của Tam Tạng để thỉnh kinh tại Tây Thiên (Ấn Độ).
Trong "Tây Du Ký", Tôn Ngộ Không có hình thể là một con khỉ nhưng thực chất lại là một pháp sư, nhà sư, thánh nhân, chiến binh và là một vị phật.
Ngộ Không trường sinh bất lão, có72 phép biến hóa, có thể cưỡi mây (Cân đẩu vân), lộn một vòng bay được 10 vạn 8 ngàn dặm (54.000km) và có một cây gậy "Như ý Kim Cô bổng".
Qua bộ phim "Tây Du Ký" được dựng lại từ truyện gốc, hình tượng Tề Thiên Đại Thánh đã ăn sâu vào tâm trí rất nhiều người, thậm chí là tuổi thơ của cả 1 thế hệ.
Tuy nhiên cho đến nay, thân thế, nguồn gốc về hình tượng nguyên mẫu mà tác giả Ngô Thừa Ân dùng để xây dựng Ngộ Không vẫn luôn là điều khiến nhiều người băn khoăn.
Có một vài giả thuyết đã được đưa ra giải đáp thắc mắc này.
Hanuman - vị anh hùng khỉ Ấn Độ từ thiên sử thi Ramayana
Hanuman, hay còn gọi là Thần khỉ Hanuman,là một nhân vật trong thần thoại Hindu được kể lại trongRamayana -bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ.
Theo miêu tả trong thiên sử thi Ramayana,Hanuman là nhân vật mang thân người, mặt khỉvà là concủa nam thần Shiva và nữ thần Parvati. Tuy nhiên cũng có thuyết khác cho rằng Hanuman là con trai củaThần gió Vayu.
Thần khỉ Hanuman được trời phú cho một sức mạnh phi thường, có phép thần thông biến hóa khôn lường và một bộ óc thông minh mưu trí.Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, Hanuman đã từng hăm dọa cả Mặt trời.
Trong thiên sử thi Ramayana, một trong những chiến công lớn nhất của Hanuman chính là đã trợ giúp Rama (một vị vua của Ayodhya, hóa thân thứ bảy của vị thần Hindu Vishnu), lãnh đạo đoàn quân khỉ tiến đánh Vua quỷ Ravana.
Hanuman đóng vai trò quan trọng trong những chiến công hiển hách của Rama.
Sở dĩ một số người cho rằng Tôn Ngộ Không được lấy hình mẫu từ Thần Khỉ Hanuman là vì cả 2 nhân vật đều mang những đặc điểm rất tương đồng: đều có hình hài khỉ, sở hữu nhiều tài phép và bộ não thông minh nhanh nhạy.
Cả 2 đều có tính cách rất ngông cuồng, không sợ trời không sợ đất và đều là những người lập được chiến công lớn: Hanuman thì trợ giúp Rama đánh bại Vua quỷ, còn Tôn Ngộ Không thì giúp Đường Tăng thành công thỉnh kinh tại Tây Thiên.
Thạch Bàn Đà
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã từng phát hiện ra một nguồn gốc khác của Tôn Ngộ Không từ những bức bích họa có niên đại hơn 1.000 năm.
Những bức vẽ này được tìm thấy trong Động Thiên Phật, cách huyện Tây An, tỉnh Cam Túc khoảng 90km.
Các bức hình có cảnh một vị hòa thượng và "Hầu hình nhân" (khỉ hình người) đang trang nghiêm chắp tay hành lễ, hướng mặt về phía Phật Bà Quan Âm trên đài Kim Cương bảo thạch.
Bốn bức hình khác khắc họa chi tiết thầy trò Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, tương tự như câu chuyện trong "Tây Du Ký" của Ngô Thừa Ân sau này.
Theo giáo sư Hà Văn Kiệt, trưởng nhóm nghiên cứu, danh tính người khỉ trong những bức tranh được tìm thấy là Thạch Bàn Đà, quê tại thành Tiên Dương, người dân tộc Hồ.
Ông có ngoại hình xấu xí, thô kệch, kỳ quái, nên có biệt danh là"Hầu hình nhân".
Tuy nhiên, người dân trong vùng ai cũng yêu quý Thạch Bàn Đà, bởi ông tính tình thực thà, thông minh nhanh nhẹn, võ nghệ cao cường, thường hay cứu mạng dân lành, diệt trừ thú dữ.
Vào năm 629, khi Đường Tăng dừng chân tại vùng Tiên Dương, biết tin Huyền Trang đang giảng kinh, người đàn ông xấu xí này liền tìm tới nghe, rồi bị cảm hóa, thấm dần tư tưởng nhà Phật.
Ông một người một ngựa, tự nguyện tháp tùng Đường Tăng tới Tây Thiên, cùng sư phụ vượt mọi gian nan, hiểm trở trên đường lấy kinh.
Chính vì vậy, giáo sư Hà Văn Kiệt kết luận đây được cho lànguyên mẫu thực tế của Tôn Ngộ Không trong "Tam Tạng Pháp Sư truyện".
Cao tăng Đại Đường "Thích Ngộ Không"
Nhiều học giả cho rằng, Tôn Ngộ Không được lấy hình mẫu từ một người tên Xa Phụng Triều, pháp danh là Thích Ngộ Không.
Sách "Tống cao tăng truyện" chép rõ, Ngộ Không là người Vân Dương Kinh Triệu, tên Phụng Triều, thuộc dòng dõi hoàng tộc Thác Bạt nhà Bắc Ngụy.
Vào năm 751, Ngộ Không theo Trương Quang Thao đi sứ tới Tây Vực, do mắc trọng bệnh nên phải ở lại nước Kiền Đà La (nay là địa phận Peshawar, Pakistan) để dưỡng bệnh mà không thể trở về kinh đô.
Trong lúc lâm bệnh nặng, Ngộ Không đã phát nguyện: "Nếu có thể khỏi bệnh nguyện sẽ xuống tóc đi tu".
Lúc đó Phật Pháp ở đây rất hưng thịnh. Do vậy, sau khi khỏi bệnh, Ngộ Không đi tu, mãi tới năm 789 mới quay trở về kinh thành.
Thích Ngộ Không sinh ra muộn hơn so với nhà sư Đường Huyền Trang 40 năm. Tuy nhiên, địa điểm mà cả hai người bắt đầu xuất cảnh cũng chính là từ thành Trường An (tức Tây An ngày nay).
Năm 757, Ngộ Khôngnhận pháp sư Tam Tạng làm sư phụ, lấy pháp hiệu là Đạt Ma Đà Đô. Một số thuyết cho rằng, người ta đã đem cái tên Thích Ngộ Không trộn lẫn với cái tên "Hầu Hành Giả", người luôn ở bên cạnh Đường Tăng trong câu chuyện lấy kinh rồi liên hệ lẫn nhau.
Dần dần, hình tượng Tôn Ngộ Không trở nên phổ biến và được thừa nhận rộng rãi.
Tuy có rất nhiều giả thuyết khác nhau nói về gốc tích thực sự của Tôn Ngộ Không thế nhưng đáp án chính xác cho tới nay vẫn là một ẩn số chưa lời giải.