'Teen ơi, làm bạn nhé' - 5 nguyên tắc để nói chuyện với con

Theo TS Vũ Thu Hương, cha mẹ và con cái không thể nói chuyện với nhau chủ yếu do chưa ai chịu mở lòng ra để thực sự giao tiếp bằng trái tim.

Vì vấn đề hoocmon, teen hay bày trò và gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống của mình. Những lúc teen cần tâm sự và chia sẻ với cha mẹ thì cha mẹ coi những chuyện teen nói là vơ vẩn, linh tinh. Còn ngược lại, những lời cha mẹ nói với teen thì teen lại nghĩ đó chính là sự dạy bảo, ra lệnh đối với teen.

Điều này khiến teen và bố mẹ không hiểu nhau, không thể chia sẻ và nói chuyện với nhau. Hậu quả là nhiều bạn teen đã tự tử hoặc làm chuyện điên rồ gì đó để hủy hoại bản thân.

Lý do cha mẹ khó nói chuyện với con thì nhiều lắm, đến từ cả hai phía. Cha mẹ cho rằng con nói năng khó nghe. Con nói lời nào cũng như chọc vào tai ấy, chưa kể thỉnh thoảng lại thiếu lễ độ, thiếu chủ vị, thiếu thưa gửi, thiếu ạ.

Cha mẹ không sao nói với con được hai câu dù thương con vô cùng. Con thì suy nghĩ cha mẹ chẳng hiểu gì về mình cả. Cha mẹ suốt ngày chỉ đòi hỏi, quát nạt, mắng mỏ, chỉnh đốn. Con là đứa tệ hại đến thế à? Tại sao suốt ngày cha mẹ so sánh con, con không muốn nghe các gương “Người tốt việc tốt” đâu. Mà sao suốt ngày tò mò việc của con thế?

Việc cha mẹ và con cái không thể nói chuyện được với nhau thực sự là chưa ai chịu mở lòng ra để thực sự giao tiếp bằng trái tim.

 TS Vũ Thu Hương đưa ra 5 nguyên tắc để gần gũi, nói chuyện với teen. Ảnh minh họa: Raising Children Network.

TS Vũ Thu Hương đưa ra 5 nguyên tắc để gần gũi, nói chuyện với teen. Ảnh minh họa: Raising Children Network.

Gỡ bỏ cái mác "Tao là bố/mẹ mày"

Đừng nói chuyện với con bằng mối quan hệ “ Tao là bố/mẹ mày”, mà hãy ngồi xuống làm bạn thật sự với teen.

Tâm sự với teen, để teen hiểu tình yêu cha mẹ dành cho chúng lớn đến cỡ nào, kể cho teen nghe những câu chuyện cha mẹ đã làm khi bằng tuổi teen…

Có như vậy, teen mới tin tưởng kể lể về chuyện học hành, tình cảm, những lo lắng suy tư.

Thông qua đó, cha mẹ có thể đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp teen giải quyết những khúc mắc.

Có như vậy, các con mới tin tưởng ở cha mẹ, cần sự ủng hộ của cha mẹ trên mỗi chặng hành trình trưởng thành.

Không xử lý teen khi đang nóng giận

Trong cuộc sống, có vô vàn những điều không theo ý muốn, khiến cho mình cảm thấy bực bội, nhất là khi con cái không nghe lời cha mẹ, cãi lại cha mẹ, và làm những hành động thiếu suy nghĩ.

Trong cuộc nói chuyện đó với con, nếu cha mẹ thấy tức giận do con nói ra những điều khó chịu thì ngưng ngay cuộc nói chuyện với con, ra uống nước và suy nghĩ tìm cách khuyên nhủ con chứ đừng quát mắng. Chỉ vài lần bị quát mắng là con lại thu mình vào và không giao tiếp với cha mẹ nữa.

Teen là khoảng thời gian đặc biệt trong cuộc đời. Khi đó, các bạn ấy thường chỉ quan tâm chính bản thân mình. Các bạn ấy chỉ quan tâm đến những việc siêu nhỏ nhặt, những lợi ích vụn vặt và tầm nhìn của các bạn ấy thường ngắn cũn, nhiều khi con không vượt qua ngưỡng một gang tay.

Nhưng như tôi đã nói, khi nói chuyện với teen, thuyết phục các bạn ấy, một nguyên tắc bất di bất dịch là tuyệt đối không thể nói ngoa được. Nói “ngoa” một câu là hỏng bét. Vậy cách làm của tôi là gì?

Bước 1: Đúng lúc sự việc xảy ra, đang lên cơn nóng, đã uống nước vẫn không nguội, đã tắm vẫn bừng bừng, tôi nói với teen như sau: Đây là lúc mẹ xả stress nhé. Không phải là dạy dỗ gì đâu. Vì thế, con coi như là không nghe thấy gì.

Và… tôi xả, tôi hét váng, tôi dậm chân đành đạch. Xong, tôi đi vào nhà tắm, rửa mặt, rồi tôi đi uống nước và tôi bắt đầu “ủ mưu tính kế”.

Bước 2: Bình tĩnh nói chuyện sau khi mời teen ngồi xuống, mời nước đàng hoàng. Mọi âm thanh được phát ra đều trong tần suất và cường độ vừa phải, thậm chí nhẹ nhàng. Nhưng mỗi câu nói sẽ là một nhát siêu bén để teen có muốn cãi cũng cứng họng.

Bước 3: Ra sắc lệnh cấm hoặc yêu cầu bắt buộc thi hành dù có muốn hay không. Điều này dĩ nhiên phải rất phù hợp và teen không thể cãi nổi.

Bước 4: Khẳng định với teen, mặc dù có tức con đến thế nào, bố (mẹ) vẫn nên nói yêu con sau những lần tranh cãi, để trẻ nhận ra rằng, bố mẹ vẫn yêu chúng, vẫn thương chúng, nên mới bực như thế.

 Cha mẹ biết cách làm bạn với con sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ. Ảnh minh họa: iStock.

Cha mẹ biết cách làm bạn với con sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai thế hệ. Ảnh minh họa: iStock.

Luôn đặt mình ở vị trí của teen để suy nghĩ

Cha mẹ đừng quên “thời trẻ trâu” của mình, cũng đầy lúc dở hơi, thích làm theo những việc mình. Vậy thì, khi đã trở thành những bậc làm cha, mẹ, chúng ta cũng nên cần đặt mình vào vị trí của con, để biết con nghĩ gì.

Nếu cha mẹ thông cảm cho những việc làm của con, con sẽ dần dần bị thuyết phục bởi cha mẹ. Còn nếu cha mẹ cứ nghĩ con tồi tệ và xỉ vả con, con sẽ càng trở nên bướng bỉnh, có thái độ chống đối cha mẹ.

Sự chống đối của con cái ở lứa tuổi vị thành niên đối với cha mẹ xuất phát từ tâm lý cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, xem mình là trẻ con, kiểm soát và ngăn cấm mình nhiều mặt theo cái nhìn chủ quan của người lớn.

Nếu cha mẹ biết dành nhiều thời gian cho con, biết cách làm bạn với con, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái khi ấy không còn là vấn đề gì lớn lao nữa.

Nói năng phải có lý lẽ

Nếu thấy mình sai, cha mẹ hãy dũng cảm xin lỗi con. Con người không ai đúng toàn bộ, đừng bắt con phải cảm thông cho lỗi sai của mình khi chính mình không dũng cảm nhận lỗi.

Hãy nhận lỗi ngay khi mình nhận ra là đã sai. Yên tâm đi, bọn trẻ bao dung hơn người lớn nhiều. Chúng sẽ tha thứ ngay cho “kẻ tội đồ xấu xa”.

Nếu con làm sai, cha mẹ không nên quá nặng lời, mắng mỏ, chỉ trích con. Việc làm đó sẽ chỉ khiến cho con càng ngày tách ra khỏi cha mẹ.

Việc cha mẹ cần làm khi ấy, là nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu, tại sao con chưa đúng, cha mẹ nên nhớ, cần dùng những lời nói, lí lẽ thuyết phục con, nhẹ nhàng khuyên bảo con.

Không đòi hỏi và yêu cầu teen quá nhiều

Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng mong con mình chăm ngoan, học giỏi, vâng lời cha mẹ, thầy cô, biết giúp đõ cha mẹ việc nhà, biết tự giác làm bài tập về nhà không cần cha mẹ nhắc nhở.

Nhưng, con cái chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ mới lớn. Chúng ta không nên đòi hỏi ở chúng quá nhiều. Chỉ cần thiếu hợp lý một chút, teen sẽ phản đối bằng cách… làm tệ hơn khả năng của chính bản thân teen.

Khi đó, kết quả còn tệ hơn cả lúc chưa xử lý teen nữa kìa. Vì thế, nếu muốn đòi hỏi teen thì tốt nhất là… không đòi hỏi gì cả.

Đừng quá quan tâm thành tích học tập. Thành tích đó không thể giúp được gì cho trẻ nếu tính cách và kỹ năng của trẻ thực sự không có.

Hãy quên con đi và chấp nhận đứa trẻ mình được trời ban cho chứ không phải làm mọi việc vì kỳ vọng biến con thành thiên tài. Hạnh phúc của đứa trẻ là điều quan trọng nhất. Thiên tài ảo sẽ không bao giờ tồn tại được lâu.

Khi con bắt đầu bước vào cấp 2, việc học tập của con có sự thay đổi đáng kể.

Học cấp một và cấp 2 khác nhau như mầm non và tiểu học. Nếu cấp một học rất nhàn hạ, điểm số không quan trọng và cô chẳng chấm điểm mấy khi thì cấp 2 lại khác, điểm số là thứ vô cùng quan trọng và mỗi bài học sẽ có điểm. Điểm cuối năm sẽ là tổng trung bình cộng của các điểm với các hệ số khác nhau.

Vì vậy, việc đầu tiên là phải dạy con quen với điểm chứ đừng áp đặt, yêu cầu đòi hỏi con nhiều về việc học. Ngoài ra, học tập trung và khoa học đã là việc tối quan trọng rồi.

Dạy con phân phối thời gian học cũng là việc cực kỳ cần thiết. Cha mẹ hãy cùng con lập thời gian biểu phù hợp giữa việc học bài các môn, làm việc nhà với việc vui chơi giải trí để teen luôn hứng khởi và thích thú với việc học.

Trích sách "Teen ơi, làm bạn nhé" của TS Vũ Thu Hương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/teen-oi-lam-ban-nhe-5-nguyen-tac-de-noi-chuyen-voi-con-post1094781.html