Telegram 'bất ngờ sống lại' ở Việt Nam
Chiều 9/7, nhiều người dùng bất ngờ truy cập được Telegram sau hơn một tháng bị chặn. Tuy nhiên, kết nối vẫn không ổn định giữa các mạng và chưa có thông báo chính thức nào từ cơ quan chức năng hay nhà mạng.
Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng, đặc biệt là những người trước đó buộc phải sử dụng các công cụ đổi IP như VPN hoặc proxy để kết nối với Telegram.
Tuy nhiên, trải nghiệm truy cập vẫn không đồng nhất giữa các người dùng. Trong khi một số người có thể sử dụng Telegram khi kết nối qua wifi, thì phần lớn phản ánh rằng ứng dụng vẫn không thể hoạt động bình thường nếu dùng mạng di động 4G hoặc 5G. Theo ghi nhận, hiện tượng này xảy ra trên nhiều nhà mạng khác nhau và chưa có dấu hiệu nhất quán.

Telegram bất ngờ truy cập được trở lại tại Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Tính đến cuối ngày 9/7, chưa có bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía cơ quan quản lý hay các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông về việc Telegram có được dỡ bỏ lệnh chặn hay không, hoặc liệu việc truy cập trở lại là do thay đổi kỹ thuật tạm thời, điều chỉnh hệ thống hay vì lý do khác.
Được biết, vào cuối tháng 5/2025, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) từng có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chặn truy cập vào Telegram theo đề nghị từ Bộ Công an. Hạn chót báo cáo thực hiện là ngày 2/6/2025.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, có tới 68% số kênh và nhóm Telegram tại Việt Nam được xác định chứa nội dung xấu độc. Một số hội nhóm có quy mô lên tới hàng chục nghìn thành viên, chuyên phát tán thông tin vi phạm pháp luật, bao gồm tài liệu chống phá Nhà nước. Ngoài ra, nền tảng này cũng liên quan đến hàng loạt vụ lừa đảo trực tuyến với tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, và dữ liệu của khoảng 23 triệu người dân Việt Nam từng bị rao bán qua Telegram.
Theo quy định tại Điều 9 của Luật Viễn thông và Nghị định 147/2024 về quản lý hoạt động Internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Telegram bắt buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp không hợp tác, cơ quan chức năng có quyền triển khai biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn truy cập.
Các chuyên gia công nghệ cảnh báo người dùng không nên cố tìm cách truy cập ứng dụng thông qua các công cụ vượt rào như VPN. Việc sử dụng các công cụ không rõ nguồn gốc hoặc truy cập theo hướng dẫn trôi nổi trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro như bị lây nhiễm mã độc, mất dữ liệu cá nhân, hoặc trở thành nạn nhân của các hình thức lừa đảo trực tuyến.