'Telehealth' chuyên ngành ngoại giúp nhiều ca bệnh nặng, đa chấn thương xử trí an toàn ngay tuyến dưới
Nhiều ca bệnh nặng, đa chấn thương đã được các chuyên gia của BV Việt Đức tư vấn, hỗ trợ xử trí, hội chẩn điều trị qua khám chữa bệnh từ xa- telehealth, giúp xóa nhòa khoảng cách giữa y tế tuyến trên và tuyến dưới.
Qua Telehealth, rút ngắn khoảng cách y tế các tuyến
4 ca bệnh về lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện tuyến dưới đã được các chuyên gia đầu ngành của BV Việt Đức và các các chuyên gia chuyên ngành chấn thương chỉnh hình của các bệnh viện bạn cùng tuyến điều trị bàn thảo, trao đổi và rút kinh nghiệm về chuyên môn trong buổi hội chẩn khám chữa bệnh từ xa diễn ra chiều qua tại BV Việt Đức. Đây là buổi tư vấn, hỗ trợ hội chẩn và điều trị từ xa thường quy của BV Việt Đức với các điểm cầu tuyến dưới.
TS Cao Hưng Thái- phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế dự và phát biểu chỉ đạọ tại buổi hội chẩn.
PGS.TS Đồng Văn Hệ- phó Giám đốc BV Việt Đức, PGS.TS Ngô Văn Toàn- nguyên Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức đồng chủ trì buổi hội chẩn.
Phát biểu tại buổi hội chẩn, TS Cao Hưng Thái cho biết, từ khi chính thức khánh thành 1000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa - Telehealth (ngày 25/9/2020) đến nay đã có thêm khoảng hơn 500 điểm cầu tham gia kết nối. Hiện có hơn 1.500 điểm cầu kết nối Đề án Khám chữa bệnh từ xa, trong đó có cả 3 điểm cầu của nước ngoài là Lào và Hàn Quốc cùng tham gia kết nối.
"Tới nay, hệ thống mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa từ trung ương, địa phương tới các bệnh viện huyện, cũng như trung tâm y tế trên cả nước đã được kết nối. Các bệnh viện tham gia Đề án của tuyến trên đã không ngừng mở rộng, dành thời gian thường quy để hội chẩn trực tuyến, trao đổi chuyên môn với tuyến dưới. Đề án đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Rút ngắn khoảng cách của y tế tuyến trên và tuyến dưới, thậm chí là tuyến huyện.
Hàng nghìn buổi tư vấn, hỗ trợ, đào tạo chuyên môn, chẩn đoán và tư vấn điều trị trực tuyến đã được tổ chức. Hàng vài chục ca bệnh nặng, khó đã được cấp cúu kịp thời ngay tại tuyến dưới với sự hỗ trợ từ xa của chuyên gia tuyến trên. Hàng vài chục ca bệnh được hướng dẫn xứ trí trước khi chuyển tuyến một cách an toàn"- Phó Cục trưởng Cao Hưng Thái chia sẻ.
Riêng về quá trình triển khai thực hiện đề án của BV Việt Đức, TS Cao Hưng Thái đánh giá cao nỗ lực của BV trong việc mở rộng kết nối các điểm cầu. Đến nay BV Việt Đức đã kết nối trên 100 điểm cầu hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện tuyến dưới, trong đó có cả tuyến huyện được kết nối hội chẩn, tư vấn điều trị và chia sẻ chuyên môn. Nhiều trường hợp đa chấn thương ở tuyến huyện đã được các chuyên gia đầu ngành về chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng... của BV Việt Đức hội chẩn, tư vấn điều trị và phục hồi sau phẫu thuật...
Những khuyến nghị hữu ích của chuyên gia tuyến trên, cùng lúc hàng trăm thầy thuốc tuyến dưới đều lĩnh hội
Tại buổi hội chẩn kết nối vài chục điểm cầu lần này, các bác sĩ chấn thương chỉnh hình của BVĐK Thanh Hóa đã báo cáo ca bệnh gãy mỏm vẹt do tai nạn giao thông.
Qua nghe báo cáo về cách thức xử trí và quá trình điều trị của ca bệnh cũng như xem hình ảnh phim chụp, PGS.TS Ngô Văn Toàn đánh giá cao cách xứ trí của các bác sĩ BVĐK Thanh Hóa, đồng thời cho biết: Gãy mỏm vẹt là tình trạng hiếm gặp. Gãy mỏm vẹt gây trật khuỷu, liên quan đến khớp quay trục trên. Do đó, các bác sĩ không nhất thiết phải tháo trang thiết bị cho bệnh nhân.
"Nếu tháo không cẩn thận, tỷ lệ liệt là 1/3. Phẫu thuật gãy mỏm vẹt là phẫu thuật khó và cần tính chuyên nghiệp. Đối với gãy hở, phải bảo đảm xử lý vết thương thật tốt, phần mềm ổn định từ 7 - 10 ngày"- PGS.TS Ngô Văn Toàn nhấn mạnh tại buổi hội chẩn.
Tiếp đó, từ đầu cầu BV Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) trình bày về ca bệnh biến dạng xương đùi sau nhiều lần phẫu thuật.
PGS.TS Ngô Văn Toàn lưu ý các điểm cầu: Gãy thân xương có nhiều đoạn, nhiều tầng là nguy cơ dẫn tới khớp giả, dẫn tới thất bại. "Ghép xương như kéo xe bò lên dốc, sức không kéo được thì phải nhờ hỗ trợ. Hiện nay, ghép xương tự thân vẫn là lựa chọn số 1"- PGS.TS Ngô Văn Toàn nói.
Từ điểm cầu BV Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, các bác sĩ trình bày về ca bệnh có vết thương khuyết phần mềm cổ - bàn chân T/chấn thương sọ não ổn định do tai nạn giao thông. Để xử trí ca bệnh này, các bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật chuyển vạt tự do, lựa chọn vạt da - cân - cơ đùi trước ngoài được nuôi bởi nhánh xuống của động mạch mũ đùi ngoài.
Trường hợp cuối cùng được trình bày tại buổi hội chẩn là ca bệnh viêm rò khớp háng sau phẫu thuật 5 năm của BVĐK Bãi Cháy- Quảng Ninh.
Góp ý về ca bệnh này, BSCKII Phạm Hữu Khuyên - Phó Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh - BV Việt Đức, cho biết, với khớp háng nhân tạo được làm từ vật liệu titan, các bác sĩ có thể chụp cộng hưởng từ. Nếu là kim loại khác, việc sử dụng cộng hưởng từ sẽ vô cùng nguy hiểm. Với cắt lớp vi tính, chỉ một số máy hiện đại có thể giảm nhiễu trên vật liệu kim loại. Khi đó, các bác sĩ có thể xem khớp xương, khung chậu xung quanh...".
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Văn Toàn nhấn mạnh, thay khớp háng nhiễm trùng là một thất bại nặng nề. Đặc biệt, nếu chẩn đoán không hợp lý có thể gây tử vong ở bệnh nhân. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ cần nhìn cấu trúc xương để có thái độ xử trí hợp lý.
Lãnh đạo BV Việt Đức cho biết, hệ thống tư vấn, hỗ trợ Khám chữa bệnh trực tuyến này sẽ cung cấp một flatform để tạo thành một thế giới phẳng trong y tế. Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến trung ương. Như thế, chúng ta đã xóa nhòa được khoảng cách địa lý, xóa nhòa được sự phân cấp tuyến này tuyến kia, tất cả đều trên một mặt phẳng. Từ thực tế của các buổi tư vấn, hỗ trợ chấn đoán và điều trị từ xa của BV Việt Đức đã thể hiện rõ điều đó.