Telehealth giúp tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân vùng sâu
Nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, các huyện miền núi được hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương, Sở Y tế Nghệ An đang tăng cường nhiều biện pháp để triển khai hiệu quả chương trình 'Khám, chữa bệnh từ xa -Telehealth'.
Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo toàn ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đến nay, hầu hết các đơn vị khám, chữa bệnh tuyến huyện kết nối Telehealth với các bệnh viện tuyến tỉnh.
Định kỳ hàng tuần, các bệnh viện tuyến tỉnh tổ chức hội chẩn các ca bệnh điển hình đang điều trị tại tuyến huyện, để từ đó, phân tích, đánh giá, hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Việc kết nối với các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương cũng được các bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thường xuyên. Trong đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An kết nối với Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai; Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh kết nối với Bệnh viện E, Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Sản nhi kết nối với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương... Từ đó, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được hội chẩn, cứu sống kịp thời.
Tiến sỹ, Bác sỹ Chuyên khoa II Tăng Xuân Hải, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết: Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, các cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện được tư vấn, giải đáp, góp ý chuyên môn hiệu quả, thiết thực với người bệnh. Đồng thời, được tiếp cận, có thêm cơ hội học hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức mới trong công tác khám, chữa bệnh.
Với việc tích cực tham gia vào các hoạt động chuyển đổi số trong ngành y tế, bao gồm hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, người bệnh điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An được thụ hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh từ các bệnh viện chuyên ngành hàng đầu trong cả nước, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nặng, bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán và điều trị.
Để đảm bảo tính đồng bộ trong kết nối Telehealth, hiện nay, Sở Y tế Nghệ An đang xây dựng Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị hiện đại kết nối Telehealth cho 5 bệnh viện tuyến tỉnh, gồm: Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh và 9 đơn vị tuyến dưới, vùng miền núi khó khăn (Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Yên Thành).
Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Trần Minh Tuệ cho biết, dự kiến cuối năm nay, gói trang thiết bị Telehealth sẽ được mua sắm và lắp đặt tại khoa cấp cứu, phòng mổ, khoa hồi sức... của 14 đơn vị, để khi có tình huống khẩn cấp ở các tuyến, nhất là ở các huyện miền núi khó khăn, chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng, sẽ được các bệnh viện tuyến tỉnh hướng dẫn cấp cứu, điều trị.
Việc triển khai Telehealth giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, các huyện miền núi được hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu ngay tại địa phương mình sinh sống.
Để triển khai hiệu quả chương trình Telehealth, trong thời gian tới, ngành y tế Nghệ An tiếp tục tập trung, phát triển các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao. Đồng thời, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác trong nước và nước ngoài thông qua các buổi hội chẩn, đào tạo từ xa, góp phần tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân khu vực nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, khó khăn; giảm chi phí khám, chữa bệnh.