Tên lửa Ấn Độ vô tình khai hỏa rơi xuống lãnh thổ Pakistan
Tên lửa được nói đã vô tình được bắn đi và rơi xuống lãnh thổ Pakistan do sự cố kỹ thuật trong quá trình bảo trì định kỳ.
Hôm 11/3, Ấn Độ cho biết trước đó đã vô tình bắn một tên lửa vào lãnh thổ Pakistan do "sự cố kỹ thuật" trong quá trình bảo trì định kỳ. Lời giải thích về sự cố được đưa ra sau khi Pakistan triệu hồi đại diện ngoại giao của Ấn Độ để phản đối.
"Vào ngày 9/3, trong quá trình bảo trì định kỳ, một sự cố kỹ thuật đã dẫn đến việc một tên lửa được khai hỏa. Được biết, tên lửa đã rơi xuống một khu vực của Pakistan. Vụ việc xảy ra rất đáng tiếc, rất may không có thiệt hại về người.", Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố; nhấn mạnh, Chính phủ nước này đã nghiêm túc chỉ thị điều tra vụ việc.
Các quan chức Pakistan cho biết, tên lửa không mang đầu đạn đã rơi gần thành phố Mian Channu, miền đông đất nước, cách thủ đô Islamabad khoảng 500 km.
Văn phòng đối ngoại của Pakistan đã triệu hồi người có trách nhiệm của Ấn Độ ở Islamabad để phản đối vi phạm không phận vô cớ, lưu ý, vụ việc có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay và tính mạng dân thường.
Pakistan cảnh báo Ấn Độ lưu ý đến những hậu quả “không dễ chịu” do những sơ suất như vậy và thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tránh tái diễn các sự cố tương tự trong tương lai; nhấn mạnh tình huống có khả năng dẫn đến leo thang thành một tình huống nguy cấp không đáng có.
Một quan chức quân đội Pakistan cho biết, vật thể có nguồn gốc từ thành phố Sirsa, miền bắc Ấn Độ, bay ở độ cao 12.200 m, đạt tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh và đã bay 124 km trong không phận Pakistan. Nó có thể là BrahMos, một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất có khả năng hạt nhân, do Nga và Ấn Độ cùng phát triển
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, tầm bắn của tên lửa này nằm trong khoảng từ 300 - 500 km khiến nó có khả năng tấn công Islamabad từ bệ phóng phía bắc Ấn Độ.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Pakistan, cho biết, đã ghi nhận tuyên bố báo chí của Ấn Độ, đồng thời đề nghị New Delhi làm rõ thêm một số câu hỏi cũng như tiến hành một cuộc điều tra chung.
Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru của New Delhi, Happymon Jacob, cho biết, cả hai bên đã xử lý tốt tình huống.