Tên lửa ASRAAM hạ gục máy bay không người lái Nga ở Ukraine
Một đoạn video ghi lại khoảnh khắc tên lửa ASRAAM gắn trên xe tải Supacat được lực lượng Ukraine khai hỏa và bắn trúng máy bay không người lái của Nga.
Theo The Drive, đoạn video tiết lộ hệ thống tên lửa phòng không di động độc đáo này đang hoạt động ở miền Nam Ukraine. Video cho thấy khả năng linh hoạt đặc biệt của hệ thống, ngay cả khi tấn công các mục tiêu bay thấp ở phạm vi ngắn hơn.
Được biết, vào tháng 8/2023, Vương quốc Anh đã phê duyệt hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine bằng việc cung cấp hệ thống phòng không AIM-132 ASRAAM gắn trên xe tải Supacat.
Trong cuộc xung đột đang diễn ra, các hệ thống phòng không có tính cơ động cao như AIM-132 ASRAAM đóng vai trò then chốt trong việc phòng thủ của Ukraine trước các mối đe dọa từ trên không của Nga ở gần tiền tuyến.
Trong khi đó, tên lửa ASRAAM, còn được gọi là AIM-132, với khả năng tác chiến trên mọi phương diện, mang lại lợi thế đáng kể trong các tình huống không chiến tầm ngắn. Đầu dò dẫn đường hồng ngoại của tên lửa cho phép khóa mục tiêu một cách dễ dàng, giúp tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu hiệu quả từ nhiều góc độ khác nhau với tốc độ lên đến Mach 3.
AIM-132 ASRAAM, ban đầu được thiết kế như một loại vũ khí phóng từ trên không. Tuy nhiên nó đã chứng tỏ khả năng thích ứng ấn tượng khi được sử dụng trong các tình huống phóng từ mặt đất nhờ các chức năng như tìm kiếm ngoài tầm nhìn và khóa mục tiêu sau khi phóng. Những tính năng này cho phép tên lửa phát hiện, theo dõi và tấn công mục tiêu một cách hiệu quả.
ASRAAM có chiều dài 2,9 m và đường kính 166 mm và trọng lượng khoảng 90 kg. Đầu đạn của tên lửa là loại nổ/phân mảnh nặng 10 kg, có cơ chế kích nổ như ngòi nổ tiệm cận bằng laser và kích nổ do va chạm. Trong các tình huống phóng từ trên không, ASRAAM có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 24-50 km.