S-400 là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất của Nga, góp phần tạo thành lưới phòng thủ đa tầng của Moscow.
Chính vì thế nó cũng là mục tiêu hàng đầu của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 23/5 thông báo quân đội nước này trước đó một ngày tấn công vị trí Nga triển khai tổ hợp phòng không S-400 gần sân bay Mospito ở tỉnh Donetsk bằng tên lửa đạn đạo ATACMS.
Một nguồn tin cho biết quân đội Ukraine đã sử dụng tới 5 quả tên lửa ATACMS trong trận tập kích này.
Theo kênh Telegram tiếng Nga Dosye Shpiona, một radar 96L6E, xe chỉ huy và hai bệ phóng của tổ hợp S-300/S-400 bị phá hủy, một tổ hợp bị hư hại trong trận tập kích.
Ảnh và video cho thấy ít nhất một bệ phóng, một phương tiện dường như là xe hỗ trợ 30Ts6E và radar 96L6E bị phá hủy.
Sân bay Mospino nằm ở phía đông nam thủ phủ Donetsk của tỉnh cùng tên, cách tiền tuyến khoảng 50 km.
Cơ sở này có đường băng đất tương đối ngắn, dường như phục vụ cho trực thăng Nga tham gia xung đột với Ukraine. Hình ảnh thành phần S-400 bị phá hủy hôm 23/5.
Ukraine gần đây nhiều lần tập kích trận địa S-300/S-400 của Nga bằng tên lửa ATACMS sau khi Mỹ bí mật chuyển loại đạn này cho họ vào tháng 3.
S-400 do phòng thiết kế của tập đoàn Almaz-Antey (Nga) phát triển, đây là phiên bản cải tiến với nhiều tính năng mạnh mẽ hơn loạt hệ thống tên lửa đất đối không S-300.
Hệ thống này được tích hợp radar đa chức năng chống nhiễu, hệ thống phát hiện và ngắm bắn tự động, tên lửa phòng không, bệ phóng và trung tâm chỉ huy điều khiển.
Bán kính đánh chặn của S-400 là 400km và nó có khả năng theo dõi và tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không hiện tại, bao gồm cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Khả năng phát hiện đa mục tiêu, cự ly phát hiện lớn, và có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc khiến S-400 là sát thủ canh bầu trời tại nơi mà nó được triển khai.
Một khẩu đội hệ thống tên lửa phòng không S-400 có thể thiết lập một khu vực phòng không với chu vi lên đến 800 km.
S-400 có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Truyền thông Nga cho biết, một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
Đạn tên lửa có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu xuất hiện trên không bao gồm máy bay, phương tiện bay không người lái (UAV) hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu lên đến 4.800 m/giây.
Truyền thông Nga cho rằng, loại vũ khí này sở hữu nhiều tính năng vượt trội, vì thế S-400 được đánh giá là một trong những vũ khí phòng không hàng đầu thế giới.
Tuy vậy gần đây đã xuất hiện việc một số hệ thống S-400 bị thất thủ trước tên lửa ATACMS khiến cho một số chuyên gia cho rằng, hiệu suất vũ khí giữ quảng cáo và thực tế không phải lúc nào cũng tương đồng.