Tên lửa 'chim mồi' thế hệ mới Nga đang dùng trong chiến dịch tại Ukraine
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Nga đã đưa tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M vào tham chiến nhằm đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Bí mật của tổ hợp này là sở hữu những thiết bị chuyên dụng với những đầu đạn nghi binh để đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương.
Bí mật nhỏ
Phía Ukraine đã phát hiện ra những chi tiết bí mật trong hệ thống này. Các chuyên gia nhận định rằng, mỗi một quả tên lửa 9M723 của Iskander có thể mang theo tối thiểu 6 đầu đạn nghi binh.
Nhiệm vụ của đầu đạn nghi binh là đánh lừa hệ thống radar, đánh lạc hướng tên lửa có trang bị hệ thống dẫn đường bằng tia hồng ngoại của đối phương, giúp cho Iskander có thể qua mặt hệ thống phòng không. Những tên lửa của Iskander chỉ phóng mục tiêu giả, khi xác định chắc chắn bản thân có nguy cơ bị tấn công.
Những mục tiêu giả trong tên lửa của Iskander có hình dạng giống như một chiếc phi tiêu, dài khoảng 0,3m, có màu trắng, phần đuôi màu vàng. Những mục tiêu giả này có thể phát ra tín hiệu vô tuyến để chế áp hoặc đánh lừa radar đối phương, có thể phát ra nguồn nhiệt để thu hút tên lửa của đối phương về phía mình.
Hệ thống tên lửa chiến dịch – chiến thuật Iskander được trang bị cho quân đội Nga từ năm 2006. Đây là một vũ khí chính xác cao, được dùng để tiêu diệt các kho vũ khí, khu vực tập trung đông quân của đối phương.
Ngoài ra, Iskander còn được sử dụng để tiêu diệt tàu chiến, máy bay, máy bay trực thăng, hệ thống phòng không, hệ thống phòng thủ tên lửa, sở chỉ huy, trung tâm thông tin, tổ hợp tên lửa và pháo binh tầm xa của đối phương.
Đánh giá của giới chuyên gia
Các chuyên gia cho rằng, những đầu đạn nghi binh của Iskander thực chất là những thiết bị nhử mồi thế hệ mới, nhằm đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Những thiết bị này từng được trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Những thiết bị nhử mồi của tổ hợp Iskander-M cũng đã được nâng cấp, để vượt qua và tiêu diệt những lá chắn tên lửa hiện đại nhất.
Người đứng đầu lực lượng tên lửa và pháo binh Nga, Trung tướng Mikhail Matveevsky khẳng định, Iskander là tổ hợp tên lửa tối ưu nhất của Nga, nó có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Không dừng lại ở đó, tổ hợp này vẫn không ngừng được hiện đại hóa. Hiện nay, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang tiến hành nâng cấp tổ hợp Iskander, để nâng cao tính năng sử dụng cũng như khả năng tác chiến.
Đặc tính kỹ thuật của Iskander
Yếu tố quan trọng nhất đối với một hệ thống tên lửa, đó là tầm bắn. Iskander có tầm bắn xa, khoảng 500km, khả năng triển khai tác chiến nhanh. Việc triển khai Iskander vào vị trí chiến đấu khi đang hành quân mất khoảng 16 phút, đưa Iskander vào vị trí sẵn sàng chiến đấu cao mất không quá 4 phút, khoảng ngừng giữa các lần bắn là 1 phút.
Tổ hợp Iskander có thể bố trí ở những nơi tuyệt đối an toàn. Thời gian sử dụng của Iskander là 10 năm, trong đó có 3 năm tham gia chiến đấu.
Thứ vũ khí này có thể hoạt động ở khoảng nhiệt độ, giao động từ -50 đến +50 độ C.
Tổ hợp Iskander gồm 6 xe riêng biệt, mỗi xe được trang bị thiết bị điện tử hiện đại. Mỗi một tổ hợp Iskander được trang bị 2 tên lửa 9M723K1 đã được lắp trên bệ phóng và 2 tên lửa dự bị.
Đây là loại tên lửa một tầng, chạy bằng nhiên liệu rắn. Ưu điểm chính của những tên lửa này là khả năng cơ động cao, được điều khiển trong suốt quỹ đạo bay.
Trọng lượng khi phóng của tên lửa 9M723K1 lên tới 3,8 tấn, đầu đạn nặng 480 kg. Tên lửa của Iskander có thể tiếp nhận được 10 loại đầu đạn, trong đó có cả đạn cassette.
Độ chính xác của tổ hợp Iskander hiện nay vẫn chưa được công bố. Theo một số dữ liệu, độ sai số của tổ hợp khoảng 20-30 m.
Hiện nay, Nga đang phát triển và thử nghiệm phiên bản Iskander-K để sử dụng tên lửa hành trình. Theo thiết kế mới, phiên bản Iskander-K có thể sử dụng tên lửa R -500, với tầm bắn được nâng lên 2.000km. Iskander-K hiện nay chưa được trang bị cho quân đội Nga.
Chưa có tên lửa nào có thể đánh chặn
Tên lửa trang bị cho tổ hợp Iskander có khả năng cơ động tốt nhất, ở những thời điểm quan trọng nhất của quỹ đạo bay, như xuất phát và tiếp cận mục tiêu.
Thời gian bay lâu nhất của tên lửa khi nó đạt độ cao 50km. Đáng chú ý, tên lửa của Iskander được mạ một lớp đặc biệt, có khả năng tàng hình trước radar của đối phương.
Ở độ cao 50km, tên lửa của tổ hợp Iskander bay với tốc độ 2.100km/h, tạo ra lực G (một lực ảo, dạng quán tính) đạt 20 đến 30 đơn vị. Với tốc độ này, hiện nay chưa có tên lửa nào trên thế giới có thể đánh chặn được.
Tên lửa của tổ hợp Iskander được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính. Giai đoạn tiếp cận mục tiêu, hệ thống dẫn đường quang học tự động được kích hoạt. Với cơ chế này, tên lửa của Iskander có thể đảm bảo các cuộc tấn công hiệu quả, chính xác và không bị hệ thống tác chiến điện tử của đối phương chi phối.
Trong suốt thời gian hoạt động của tên lửa, không cần phải điều chỉnh tín hiệu vệ tinh. Tên lửa của Iskander có thể sử dụng được các dữ liệu của cả GPS và GLONASS.