Quân đội chính phủ hiệp định quốc gia Lybia - GNA vừa tố cáo Quân đội quốc gia Lybia - LNA đã sử dụng tổ hợp tên lửa chống tăng siêu thanh 9M123 Khrizantema-S do Nga sản xuất trong trận đánh ngày 5/6.
Các bức ảnh cho thấy phần còn lại của một tên lửa 9M123 Khrizantema-S được phóng đi tại vị trí của lực lượng GNA ở quận Damascus, phía Nam thủ đô Tripoli của Libya.
Việc LNA sử dụng tên lửa Khrizantema-S tại Tripoli không phải là điều gây ngạc nhiên. Đầu năm nay, họ đã triển khai ít nhất một tổ hợp này tại khu vực phía Nam thành phố.
Nhờ vào thứ vũ khí dẫn đường chính xác tiên tiến như trên, chắc chắn sẽ mang lại lợi thế cho LNA trước lực lượng GNA vẫn đang chiếm giữ các vị trí còn lại của họ xung quanh Tripoli.
Tổ hợp tên lửa chống tăng 9M123 Khrizntema-S được phát triển từ thập niên 1980, ra mắt công chúng vào năm 1996 và đến năm 2005 thì chính thức được biên chế rộng rãi trong quân đội Nga.
Đạn tên lửa 9M123 bay ở vận tốc tối đa Mach 1,2, tầm hoạt động từ 400 m đến 6.000 m. Khrizantema-S cũng là loại tên lửa diệt tăng duy nhất trên thế giới có thể dẫn đường bằng radar hoặc laser.
Với chế độ dẫn đường radar, chúng sử dụng kênh truyền lệnh điều khiển bằng vô tuyến cùng radar bước sóng milimet bám mục tiêu để điều khiển đạn tên lửa.
Khi sử dụng laser, hệ thống sẽ chiếu liên tục vào mục tiêu, tiếp đó thiết bị dẫn hướng bán tự động (SACLOS) sẽ theo đó để tìm đến và tiêu diệt đối tượng bị ngắm bắn.
Hai kênh dẫn bắn này được bảo vệ chống mọi biện pháp gây nhiễu từ đối phương. Đây là khả năng mà hầu như không có hệ thống chống tăng nào trên thế giới có được.
Tổ hợp tên lửa chống tăng này được đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3 có khả năng cơ động cực cao và chúng có thể chống chọi được với tác nhân xạ - sinh - hóa (NBC).
Khrizantema-S còn là hệ thống tên lửa chống tăng duy nhất trên thế giới có khả năng làm việc suốt ngày đêm, trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt cả nóng lẫn lạnh như sương mù, tuyết rơi, bão cát.
Đạn tên lửa 9M123 được trang bị đầu nổ chống tăng kiểu tandem (đầu nổ kép) nhằm vô hiệu hóa giáp phản ứng nổ của những chiến xa tối tân nhất hiện nay.
Khi bắn trúng mục tiêu, đầu nổ thứ nhất (9M123, trọng lượng 8 kg) vô hiệu hóa hệ thống động lực của xe bọc thép, còn đầu nổ thứ hai 9M123F (trọng lượng 6 kg) phá vỡ vỏ giáp.
Ngoài đạn xuyên giáp tăng, tổ hợp tên lửa chống tăng của Nga có các đầu đạn nhiệt áp có khả năng tiêu diệt binh lực, phương tiện chiến đấu khác của đối phương (kể cả trực thăng, tàu xuồng cỡ nhỏ) ở khoảng cách đến 6 km.
Nhờ khả năng tự thu ống phóng vào trong xe, khi đang di chuyển hoặc trên bãi đậu xe, vẻ ngoài Khrizantema-S không có gì nổi bật, giống như mọi xe bọc thép trên khung gầm BMP được sử dụng rất nhiều trong quân đội Nga.
Bạch Dương