Tên lửa đạn đạo chiến thuật – sức mạnh vũ khí đặc biệt của Nga

Do phải đối phó thường trực với nguy cơ chiến tranh trên bộ từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và đỉnh điểm là trong Chiến tranh Lạnh, Quân đội Liên Xô đã xây dựng truyền thống của lực lượng pháo binh-tên lửa chiến thuật hùng hậu và mạnh mẽ hàng đầu thế giới.

Những tổ hợp tên lửa chiến thuật như Scub, Oka hay sau này là Tochka-U hay Iskander đều là những loại vũ khí nguy hiểm và uy lực cho tới tận ngày nay; giúp Nga cân bằng sức mạnh chiến lược tại châu Âu.

Truyền thống được kế thừa từ thời Xô Viết

Không phải tự nhiên Liên Xô và Nga lại sở hữu những dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật nguy hiểm và uy lực. Điều này bắt nguồn từ sự thua kém và nguồn lực quân sự của Liên Xô so với NATO ở thời kỳ chiến tranh Lạnh. Moscow đã tìm ra hướng phát triển bất đối xứng để cân bằng cán cân chiến lược và tên lửa đạn đạo chính là một trong những ưu tiên. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới việc các thế hệ tên lửa đạn đạo chiến thuật đầu tiên của Liên Xô đã có những đặc điểm kỹ-chiến thuật ưu việt hơn đối thủ cùng thời.

 Tổ hợp tên lửa chiến thuật R-17 Scud được coi là vũ khí tiến công lợi hại của Liên Xô và nhiều quốc gia trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty

Tổ hợp tên lửa chiến thuật R-17 Scud được coi là vũ khí tiến công lợi hại của Liên Xô và nhiều quốc gia trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Getty

Tổ hợp thiết kế đứng đầu bởi công trình sư Sergey Korolev lần đầu tiên giới thiệu tên lửa đạn đạo chiến thuật R-2 năm 1948. Giới lãnh đạo Liên Xô đặt yêu cầu rất cao đối với tên lửa R-2. Kết quả của quá trình này là sự định hình của dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật với kết cấu đầu đạn rời và những giải pháp kỹ thuật giảm trọng lượng tổng thể của đạn tên lửa để tăng tầm bắn, dẫn đường vô tuyến. Trong quá trình thử nghiệm, tên lửa R-2 đã đạt được tầm bắn ấn tượng 600km, gấp hơn 2 lần so với tên lửa R-1 (270km) và là loại vũ khí không có đối thủ trên thế giới ở thời điểm xuất hiện.

Đầu đạn nổ phá mảnh nặng 1,5 tấn tạo ra vùng hủy diệt có đường kính tới 500m và tên lửa đẩy được ứng dụng công nghệ nhiên liệu lỏng giúp rút ngắn thời gian triển khai, thu hồi chỉ còn 15 phút. Tên lửa R-2 được chính thức trang bị từ năm 1951. Sự xuất hiện của R-2 đã khiến Mỹ và NATO phải gấp rút phát triển vũ khí đối phó, cũng như xem xét lại việc bố trí lực lượng trên lãnh thổ châu Âu để hạn chế thấp nhất mối đe dọa do tên lửa Liên Xô gây ra.

Sau đó, Liên Xô tiếp tục cho ra đời những dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới để buộc NATO phải phát triển các loại vũ khí đối trọng. Năm 1955, Liên Xô cho ra mắt tên lửa R-11 với những cải tiến về hệ thống nhiên liệu giúp tên lửa duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu lâu hơn và hơn thế nữa là khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân (phiên bản R-11M).

Dòng tên lửa đáng chú ý tiếp theo của Liên Xô chính là R-17, hay còn được biết tới với tên gọi khác là Scud. Bắt đầu được triển khai từ năm 1962, dòng tên lửa chiến thuật này đã xuất hiện rộng rãi không chỉ trong biên chế Quân đội Liên Xô mà còn nhiều quốc gia khác. Tên lửa Scud từng được sử dụng trong cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988) hay cuộc chiến vùng Vịnh lần 1 (năm 1991). Cho tới tận thời điểm hiện tại, Scud vẫn nằm trong trang bị nhiều quốc gia. Ưu thế của tên lửa Scud chính là sự đa năng với khả năng mang nhiều loại đầu đạn và thời gian triển khai, thu hồi ngắn, có thể phóng từ bất kỳ đâu.

Sức mạnh buộc phương Tây phải ký hiệp ước giải trừ vũ khí

Sau tổ hợp tên lửa Scud, dòng tên lửa đạn đạo đáng chú ý khác của Liên Xô chính là Temp-S. Thiết kế 2 tầng đầy, tầm bắn 1.200km và mang theo đầu đạn 500 Kiloton đã biến tổ hợp Temp-S trở thành vũ khí răn đe đáng sợ tại châu Âu. Với 1.200 tổ hợp Temp-S được sản xuất và triển khai từ năm 1965, đây được coi là dòng vũ khí chiến thuật uy lực so với các tổ hợp tên lửa Jupiter và Pershing-II của Mỹ và NATO triển khai tại châu Âu.

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Oka với khả năng cơ động và mang đầu đạn hạt nhân khiến Mỹ và NATO đau đầu đối phó. Ảnh: wikipedia

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Oka với khả năng cơ động và mang đầu đạn hạt nhân khiến Mỹ và NATO đau đầu đối phó. Ảnh: wikipedia

Bước đệm hoàn thiện công nghệ để tổ hợp Iskander ra đời sau đó chính là dòng tên lửa đạn đạo Tochka-U. Những hoàn thiện công nghệ điều khiển, động cơ nhiên liệu rắn và độ chính xác cao được coi là điểm mạnh của dòng tên lửa chiến thuật này. Tochka-U được trang bị rộng rãi cho lực lượng pháo binh Liên Xô và Nga và được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch chống khủng bố ở Bắc Kavkaz và Nam Ossetia năm 2008.

Trong khi đó, tổ hợp tên lửa Oka lại là bước đệm hoàn thiện công nghệ đạn tên lửa được ứng dụng trên Iskander sau này. Dù là dòng tên lửa ra đời từ những năm 1980, nhưng đạn tên lửa của Oka có tầm bắn 400km được thiết kế như một phương tiện lượn có thể thay đổi quỹ đạo, khiến nó rất khó, thậm chí không thể bị bắn hạ.

Chính vì sự lợi hại của Oka nên Mỹ và phương Tây đã yêu cầu Nga cho loại vũ khí này vào diện giải trừ theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tới năm 2003, những tổ hợp Oka cuối cùng trong biên chế Quân đội Nga đã bị loại bỏ, nhưng tinh túy công nghệ của nó đã được kế thừa và tiếp tục hoàn thiện ở tổ hợp tên lửa Iskander sau đó.

Iskander duy trì thế cân bằng chiến lược tại châu Âu

Hiện tại, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật hiện đại nhất của Quân đội Nga chính là Iskander/Iskander-M. Chúng được giới thiệu lần đầu tiên tại Triển lãm hàng không MAKS-1999. Giống như người tiền nhiệm Tochka-U, Iskander được thiết kế để xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao như vũ khí phòng không, trung tâm chỉ huy và kho tàng nằm ở hậu tuyến trong phạm vi 500km.

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M đã minh chứng sức mạnh thực chiến tại cuộc xung đột tại Ukraine thời gian qua. Ảnh: Lenta

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-M đã minh chứng sức mạnh thực chiến tại cuộc xung đột tại Ukraine thời gian qua. Ảnh: Lenta

Nga đã không ít lần Iskander được coi là con bài chiến lược để đàm phán với Mỹ và NATO. Với các phiên bản trang bị đạn tên lửa khí động tầm bắn 500km và tên lửa hành trình tầm bắn tới 2.000km, khi đặt tại vùng lãnh thổ Kaliningrad, Quân đội Nga có thể tung các đòn đánh bất ngờ và chính xác vào căn cứ của NATO tại mọi địa điểm ở châu Âu. Hiệu quả tác chiến của Iskander-M còn được đưa lên tầm cao mới với đạn tên lửa tàng hình và quỹ đạo bay phức tạp đã được chứng minh tại cuộc xung đột ở Ukraine.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ phát triển dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới để đáp trả lại việc NATO triển khai các căn cứ quân sự áp sát nước Nga, cũng như việc Mỹ tái cơ cấu lực lượng hạt nhân tại châu Âu. Điều này sẽ giúp Nga tiếp tục duy trì lợi thế chiến thuật về tên lửa chiến thuật trước các đối thủ tiềm tàng trong nhiều thập kỷ tới.

TUẤN SƠN (theo vpk, Lenta)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/ten-lua-dan-dao-chien-thuat-suc-manh-vu-khi-dac-biet-cua-nga-786534