Các tên lửa đạn đạo được phóng trong khoảng 13h56 đến 16h (giờ địa phương). Đây là lần đầu tiên tên lửa của đại lục bay ngang qua đảo Đài Loan, tờ South China Morning Post cho biết.
Đoạn phim về các vụ phóng tên lửa được đài CCTV đăng tải. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence (Canada), cho biết tên lửa đạn đạo DF-15B đã được sử dụng trong ngày đầu của cuộc tập trận.
Trước đó, trong hai thông báo ngắn, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông của quân đội Trung Quốc cho biết, trong diễn tập bắn đạn thật họ đã tiến hành các đòn tấn công chính xác nhằm vào các khu vực cụ thể ở vùng nước phía đông eo biển Đài Loan ngày 4/8, cũng như phóng một số tên lửa vào buổi chiều cùng ngày.
“Tất cả tên lửa đều đánh trúng mục tiêu. Toàn bộ nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật đã hoàn thành thắng lợi, và các biện pháp kiểm soát vùng biển và vùng trời đã được dỡ bỏ”, thông báo của Chiến khu miền Đông nêu rõ.
Theo đoạn video của CCTV, các tên lửa đạn đạo DF-15B được phóng từ các căn cứ không xác định tại đại lục, hướng đến các mục tiêu ngoài khơi cảng Cơ Long và các huyện Hoa Liên và Đài Đông của Đài Loan.
Được biết tới nhiều hơn với tên gọi M-9 (phiên bản xuất khẩu), tên lửa Đông Phong (DF-15) là loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn
Loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn 500 kg đến mục tiêu ở khoảng cách 600 km, trong khi biến thể DF-15B có thể bay tới 700 km còn biến thể DF-15C có tầm bắn lên tới 900 km.
Tên lửa DF-15 có thời gian khởi động là 30 phút, loại tên lửa được phát triển bởi Học viện Công nghệ Rocket Motor.
DF-15 sử dụng nhiên liệu rắn, sai số mục tiêu là 280 m, bản cải tiến DF-15B và DF-15C có độ lệch giảm xuống chỉ còn khoảng 45 m.
Trong cuộc khủng hoảng chính trị tại eo biển Đài Loan năm 1995-1996, Trung Quốc đã tổ chức tập trận cho bắn 11 quả loại tên lửa DF-15 để “nhắc nhở” vùng lãnh thổ này cân nhắc quyết định tuyên bố độc lập.
Loại tên lửa này có chiều dài 9,1 m, đường kính một mét, ngoài trang bị đầu đạn thông thường chúng còn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân 90 kT.
Tên lửa được đặt trên bộ khung xe mang thiết bị phóng chuyên dụng TAS5450 8X8 hoặc WS2400. Hiện quân đội Trung Quốc có khoảng 200-250 quả tên lửa loại này với biến thể khác nhau.
Đài Loan khẳng định Trung Quốc hiện triển khai ít nhất 1.600 tên lửa đang hướng về hòn đảo này, sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào.
Quân đội Trung Quốc hiện được cho là đã triển khai các loại tên lửa đạn đạo hiện đại như DF-16, DF-11 và các biến thể của DF-15 bổ sung vào giàn tên lửa răn đe Đài Loan.
DF-16 có tầm bắn 1.000-1.200 km, độ chính xác cũng được cải thiện đáng kể so với DF-15 hay DF-11.
Giới phân tích đánh giá những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo như MIM-104 hay Patriot PAC-3 sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn tên lửa DF-16.
Tên lửa DF-16 có thể vươn tới độ cao lớn hơn trước khi lao xuống mục tiêu. Nhờ thế, tốc độ bay cũng gia tăng và các hệ thống phòng thủ tên lửa như PAC-3 sẽ không kịp phản ứng.
Trong khi đó, các biến thể mới của tên lửa DF-15 đã vượt trội so với DF-11 ở công nghệ dẫn đường kết hợp quán tính và GPS.
Điều làm nên sự nguy hiểm của DF-15 là nó có thể phóng từ bất kỳ địa điểm nào mà không cần chuẩn bị trước và sử dụng định vị GPS để cập nhật vị trí mục tiêu.
Thêm vào đó, DF-15 còn có khả năng nhắm mục tiêu nhanh chóng mà không cần tính toán tác động của lực gió.
Giới chuyên gia quân sự nhận định các biến thể của tên lửa đạn đạo DF-15 đã mang lại cho quân đội Trung Quốc năng lực rất quan trọng là tấn công chớp nhoáng vào các mục tiêu cố định.
Việt Hùng