Tên lửa đạn đạo gặp sự cố, Mỹ kích hoạt chế độ tự hủy
Không quân Mỹ kích hoạt chế độ tự hủy quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) LGM-30 Minuteman III trên Thái Bình Dương hôm 1-11 (giờ Mỹ).
Sở dĩ Không quân Mỹ phải kích hoạt chế độ tự hủy vì tên lửa LGM-30 Minuteman III gặp "sự cố bất thường" sau khi được phóng thử nghiệm từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở bang California – Mỹ.
"LGM-30 Minuteman III không mang đầu đạn hạt nhân ở thời điểm tự hủy lúc 12 giờ 6 phút trên Thái Bình Dương" - thông cáo báo chí từ Bộ Tư lệnh Tấn công toàn cầu thuộc Không quân Mỹ (AFGSC) cho biết.
Không quân Mỹ không nêu chi tiết nhưng cho biết họ đang thành lập nhóm phân tích điều tra sự việc.
Phái đoàn quân đội Hàn Quốc đã chứng kiến vụ phóng thử lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30 Minuteman III này của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ rút ra bài học sau mỗi lần phóng thử" – sĩ quan Không quân Lauren Linscott cho biết - "Việc thu thập dữ liệu từ vụ phóng cho phép (AFGSC) xác định và khắc phục mọi vấn đề với hệ thống vũ khí để đảm bảo độ tin cậy và độ chính xác liên tục của LGM-30 Minuteman III".
The Drive cho hay tên lửa Minuteman III do Boeing sản xuất, có thể mang đầu đạn hạt nhân và là một trong bộ ba răn đe hạt nhân của Mỹ. Nó có tầm bắn hơn 9.660 km và có thể bay với tốc độ khoảng 24.000 km/h.
Khoảng 400 tên lửa đạn đạo LGM-30 Minuteman III được đặt tại các căn cứ không quân Mỹ ở các bang Wyoming, Montana và Bắc Dakota.
Không quân Mỹ thời gian qua thường xuyên tiến hành các vụ phóng thử Minuteman III không mang đầu đạn để chứng minh độ tin cậy cũng như nhằm thử nghiệm và các mục đích đánh giá khác.
Các lần phóng thử nghiệm ICBM LGM-30 Minuteman III của Mỹ cũng đã gặp nhiều thất bại vì "nguyên nhân không xác định", chẳng hạn vào các năm 2018 và 2021.
Mỹ dự định thay thế Minuteman III bằng tên lửa LGM-35A Sentinel đang trong quá trình nghiên cứu, dự kiến thực hiện một phần vào năm 2029.
Dự kiến công tác thay thế sẽ đạt mức tối đa vào giữa những năm 2030. Hiện tại Không quân Mỹ tuyên bố tên lửa Minuteman III vẫn là công cụ răn đe hiệu quả.