Tên lửa DF-17 được Trung Quốc sử dụng trong tập trận quanh Đài Loan của nước này có gì đặc biệt?
Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn của Trung Quốc tổ chức gần đảo Đài Loan của nước này có sự tham gia của một số vũ khí hiện đại, trong đó có tên lửa siêu thanh DF-17.
Tài khoản Weibo của Chiến khu Đông bộ thuộc quân đội Trung Quốc thông báo: "Từ 12h ngày 4/8 tới 12h ngày 7/8, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến hành các hoạt động huấn luyện quân sự quan trọng trên vùng biển và vùng trời xung quanh đảo Đài Loan của nước này".
Theo các thông báo chính thức của quân đội Trung Quốc, một số loại vũ khí mới nhất, tinh vi nhất của Trung Quốc được sử dụng trong cuộc tập trận bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và tên lửa siêu thanh Đông Phong (DF)-17.
Đông Phong là tên gọi chung một loạt các tên lửa đạn đạo do Trung Quốc sản xuất (phiên âm tiếng Trung là Dong Feng, viết tắt DF).
Năm 1960, Trung Quốc chế tạo thành công tên lửa Đông Phong đầu tiên (DF-1) với tầm bắn chỉ khoảng 550km và sử dụng nhiên liệu lỏng. Từ đó đến nay, quốc gia này đã đạt được nhiều bước tiến trong nghiên cứu, chế tạo các loại tên lửa, từ nguyên liệu lỏng sang nguyên liệu rắn có sức mạnh lớn hơn, khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân hơn, hay tầm bắn ngày càng có sức thị uy…
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, DF-17 là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của quân đội Trung Quốc và có thể coi là “bất khả chiến bại”. Được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2017 và ra mắt lần đầu tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc (ngày 1/10/2019), DF-17 thu hút sự chú ý bởi đây là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Trung Quốc được gắn trên thiết bị lượn siêu thanh (HGV) - có khả năng bay nhanh gần 5 lần tốc độ âm thanh (khoảng 6.100km/h).
Đầu đạn sử dụng công nghệ HGV cho phép tên lửa bay thấp hơn ở giai đoạn cuối của hành trình, vì vậy, DF-17 có khả năng đột phá phòng ngự cực mạnh, phạm vi cơ động sang hai bên có thể đạt đến hàng nghìn km làm cho đối phương căn bản không thể thăm dò được quỹ đạo bay của đầu đạn. Ngoài ra, đầu đạn có tính năng tàng hình khi bay vào tầng điện li cũng làm giảm hiệu quả theo dõi của radar cảnh báo.
Theo South China Morning Post (SCMP), DF-17 có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, vươn tới được các mục tiêu trong khu vực châu Á, thậm chí cả lãnh thổ Mỹ.
DF-17 được cho là một trong các phương tiện lướt siêu vượt âm đầu tiên trên thế giới và đủ mạnh để xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực. Với trọng lượng khoảng 15 tấn, tầm bắn là 2.500 km, do đó, DF-17 có thể tấn công tới các vùng lãnh thổ của nhiều đối thủ tiềm tàng của Trung Quốc.
Yang Chengjun - chuyên gia tên lửa Trung Quốc tin, DF-17 sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan.