Tờ Eurasiantimes cho biết, trong số nhiều sai sót về an ninh của Israel bị phơi bày sau cuộc tấn công của Hamas, đặc biệt đáng chú ý là hệ thống Iron Dome (Vòm sắt). Điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi, phải chăng Iron Dome được “định giá quá cao”, hay bị tên lửa của Hamas áp đảo?
Liệu bây giờ, các nước còn sẵn sàng “xuống tiền” để mua Vòm sắt từ Israel? Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm 2022, Israel đã xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng trị giá kỷ lục 12,556 tỷ USD. Trong đó UAV chiếm 25% và tên lửa hoặc hệ thống phòng không chiếm 19%.
Sau khi hệ thống tên lửa Vòm sắt được đưa vào sử dụng năm 2011, toàn bộ hệ thống hoặc các thành phần của nó, đã tạo ra sự quan tâm trên thị trường vũ khí toàn cầu. Trong khi các bộ phận của Vòm sắt đã được bán cho các quốc gia như Canada, Anh, Phần Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia và thậm chí là nhiều quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên, bất kỳ hoạt động xuất khẩu Vòm sắt hoặc các thành phần của hệ thống phòng không này sang nước thứ ba, đều phải cần có sự đồng ý của Washington, vì Vòm sắt được Mỹ và Israel cùng phát triển.
Hệ thống Vòm sắt được kéo bằng xe tải, bao gồm ba bộ phận chính: bệ phóng và các thiết bị đánh chặn, radar đa nhiệm và hệ thống điều khiển. Theo thống tin, hiện Israel có 11 khẩu đội Iron Dome được triển khai trên khắp đất nước.
Mỗi khẩu đội Vòm sắt có thể bảo vệ một khu vực lên tới 155 km2, đánh chặn tên lửa có tầm bắn từ 4 km đến 70 km. Một khẩu đội bao gồm ba đến bốn bệ phóng, mỗi bệ chứa tới 20 tên lửa đánh chặn. Theo thông tin, mỗi khẩu đội có giá khoảng 100 triệu USD và mỗi tên lửa đánh chặn có giá khoảng 50.000 USD.
Để tiết kiệm đạn tên lửa, hệ thống Iron Dome sẽ chọn mục tiêu của mình bằng cách sử dụng radar nhanh chóng xác định xem tên lửa của đối phương có hướng tới khu vực đông dân cư hay không. Nếu không có mối đe dọa, tên lửa đối phương sẽ bị bỏ qua và cho phép rơi tự do.
Người Israel thực sự tự hào về màn trình diễn của Iron Dome. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố rằng, Iron Dome là “biểu tượng duy nhất của sự đổi mới công nghệ”, khi có khả năng xử lý đồng thời nhiều mối đe dọa với tỷ lệ thành công lên tới 97%. Họ nói rằng, không có hệ thống phòng không hiện tại nào có thể đạt được gần 2.000 lần đánh chặn như Iron Dome.
Israel từng khoe rằng, kể từ năm 2011 (năm Iron Dome được đưa vào sử dụng), IDF đã sử dụng hệ thống Iron Dome “để bắn hạ hơn 1.700 tên lửa không điều khiển và đạn súng cối do phiến quân ở Lebanon, Syria và Dải Gaza phóng ra, nhằm vào các mục tiêu chống lại IDF.
Hệ thống Iron Dome cũng có thể đánh chặn máy bay, UAV, đạn pháo cỡ lớn và thậm chí có thể cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Minh chứng là việc nó bắn hạ tên lửa đạn đạo Fateh của Iran vào ngày 20/1/2019.
Nhưng sau đó, một số người hoài nghi như Tiến sĩ Moti Shefer cho rằng, “Ngày nay không có tên lửa nào trên thế giới có thể đánh chặn được tên lửa hoặc đạn pháo. Iron Dome chỉ thu hút dư luận Israel và tất cả những vụ nổ bạn nhìn thấy trên bầu trời đều là những vụ nổ tự phát. Cho đến ngày nay, chưa ai từng thấy một tên lửa bị chặn rơi xuống đất”.
Trong bối cảnh đó, người ta có thể hỏi tại sao hệ thống Iron Dome lại tỏ ra kém hiệu quả trước các cuộc tấn công tên lửa của Hamas. Trong số các câu trả lời đến từ một số chuyên gia, có những câu trả lời đáng chú ý sau:
Thứ nhất, Iron Dome được thiết kế để ưu tiên đánh chặn các tên lửa đe dọa nhất, chẳng hạn như tên lửa hành trình; thay vì các tên lửa nhỏ hơn hoặc siêu nhỏ mà Hamas sử dụng. Đặc biệt là Vòm sắt sẽ bị quá tải, khi đối phương tấn công với số lượng tên lửa lớn, thay vì 10 hoặc 20 tên lửa được phóng từ một nơi vào không phận Israel.
Ông Sam Cranny-Evans của Viện nghiên cứu dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) lập luận rằng, do quy mô lớn cuộc tấn công tên lửa của Hamas, đã làm “choáng” các hệ thống phòng thủ của Israel, khiến hệ thống Vòm sắt bị áp đảo.
Đặc biệt khi các cuộc tấn công của Hamas không chỉ giới hạn ở tên lửa, mà còn phát động đồng thời các cuộc xâm lược trên bộ, trên không và trên biển. Do đó việc lực lượng phòng thủ của Israel tập trung vào Vòm Sắt là quá sức; ông Cranny-Evans kết luận.
Thứ hai, có thể Hamas đã nghiên cứu các lỗ hổng của hệ thống Vòm sắt và từ đó sử dụng vũ khí mới để xâm nhập nó. Một thông tin của tờ New York Times đã dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, “vũ khí mới do Hamas bắn lần đầu tiên vào hôm 7/10 có thể khó bị đánh chặn hơn và cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Theo Tạp chí quốc phòng Janes của Anh cho biết, Hamas đã sử dụng loại tên lửa mới có tên Rajum trong cuộc tấn công. Ngoài ra, họ còn sử dụng các UAV 4 trục cỡ nhỏ, để thả đạn có sức công phá lớn, xuống các vị trí quân sự của Israel.
Lực lượng vũ trang Hamas và quốc gia ủng hộ là Iran, dường như đã học được những bài học trong quá khứ, khi các loạt tên lửa trước đây của Hamas, đã bị Iron Dome đánh chặn một cách hiệu quả.
Nhưng lần này, hàng trăm tên lửa mới của Hamas đã được bắn liên tiếp với tốc độ chóng mặt, khiến hệ thống Vòm sắt trở nên quá sức để xử lý và vũ khí của Hamas là rất rẻ. Uzi Rubin, được coi là một trong những cha đẻ của hệ thống phòng thủ tên lửa Israel, được cho là đã nói điều đó.
Theo một số thông tin, loại tên lửa tự chế do Hamas phóng đi có giá từ 300 đến 800 USD mỗi quả. Trong khi đó, mỗi tên lửa đánh chặn từ Iron Dome có giá khoảng 40.000 đến 50.000 USD. Như vậy thực sự là cuộc tấn công “bất đối xứng” khiến các quốc gia muốn mua hệ thống Vòm sắt phải xem xét lại.
Xem xét các lập luận trên, sẽ đúng hơn khi nói rằng, Iron Dome của Israel có thể không đủ để bảo vệ một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn, khi phải đối mặt với số lượng tên lửa áp đảo; ngay cả khi loại tên lửa này giá rẻ và có khả năng kém hơn. Tuy nhiên, cũng còn quá sớm để nói rằng, Vòm sắt của Israel đã hết thời ở Trung Đông.
Tiến Minh (theo Eurasiatimes)