Tên lửa Hàn Quốc phát nổ giữa căng thẳng với Triều Tiên
Một tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc đã gặp sự cố và rơi xuống mặt đất trong cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật giữa Seoul và Washington.
Theo hãng AP, vụ nổ và đám cháy bùng lên đã khiến người dân thành phố ven biển Gangneung lo lắng và hoảng sợ vì trước đó đã có sự bất an về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Vụ việc xảy ra vào sáng sớm ngày 5/10 khi tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 gặp trục trặc và rơi xuống đất. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng gửi lời xin lỗi đến người dân.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo: "Rất may, không có thương tích về người trong sự cố. Tên lửa đạn đạo chiến thuật Hyumoo-2 đã gặp sự cố và rơi xuống căn cứ không quân ở ngoại ô thành phố Gangneung trong một cuộc tập trận bắn đạn thật với Mỹ ngày 5/10". Theo JCS, vụ việc không gây ra thương vong.
Một quan chức Bộ Tham mưu Liên quân giấu tên cũng đã khẳng định đầu đạn của tên lửa không phát nổ và ngọn lửa là do thuốc phóng tên lửa cháy. Quan chức này cũng cho biết tên lửa rơi ngay sau khi cất cánh và không có cơ sở dân sự nào bị ảnh hưởng. Sự cố khiến nhiều người dân ở thành phố Gangneung nhầm tưởng rằng họ bị tấn công trong bối cảnh căng thẳng với Bình Nhưỡng đang gia tăng dồn dập trong thời gian qua.
Kwon Seong-dong, nghị sĩ đại diện cho Gangneung đã chỉ trích sự cố này và nói rằng hệ thống vũ khí được vận hành bằng tiền đóng thuế của người dân nhưng đang khiến người dân hoảng sợ thực sự.
Quân đội Hàn Quốc đã thừa nhận sự cố xảy ra sau khi người dùng internet báo động về vụ nổ và đăng video lên mạng xã hội. Quân đội cho biết đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây ra sự cố bất thường của tên lửa.
Tên lửa đạn đạo Huynmoo-2
Các quan chức tại Cơ quan cứu hỏa và tòa thị chính của Gangneung cho biết các nhân viên khẩn cấp đã được điều động đến căn cứ không quân và một căn cứ quân đội gần đó để phản ứng lại các cuộc gọi báo về vụ việc. Tuy nhiên, các quan chức quân đội đã yêu cầu họ quay về. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc hiện đang tiến hành các cuộc tập trận chung nhằm thể hiện khả năng ngăn chặn nguy cơ tấn công của Triều Tiên vào Hàn Quốc. Trong cuộc tập trận ngày 4/10, quân đội hai bên đã diễn tập ném bom bằng máy bay tấn công F-15 và phóng hai tên lửa.
Tham mưu trưởng liên quân nói rằng tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan dự kiến sẽ quay trở lại vùng biển phía đông Hàn Quốc vào ngày 5/10 nhằm thể hiện "ý chí kiên định" trong cam kết với các đồng minh để đối phó với các hành động khiêu khích và đe dọa tiếp tục của Triều Tiên. Tàu sân bay cũng là một phần của cuộc tập trận tuần trước của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tên lửa đạn đạo Huynmoo-2 là chìa khóa cho các chiến lược tấn công phủ đầu và trả đũa của Hàn Quốc trước các mối đe dọa. Trước đó, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân vài giờ trước cuộc tập trận giữa Hàn Quốc và Mỹ. Đây là cuộc thử vũ khí đáng chú ý nhất của Bình Nhưỡng kể từ tháng 1, khi nước này thử nghiệm tên lửa tầm xa Hwasong-12 có khả năng phóng tới đảo Guam của Mỹ và cũng là lần đầu tên lửa Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật kể từ năm 2017. Trong 10 ngày gần đây, Triều Tiên đã phóng thử 5 vũ khí.
Nhật Bản đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng tên lửa bay qua Nhật Bản đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và là thách thức đối với an ninh của nước này. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Phó đặc phái viên hạt nhân của nước này Lee Tae-woo đã có cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ Jung Park tại Seoul vào ngày 5/10 để thảo luận về các vụ phóng gần đây của Triều Tiên đồng thời cam kết tăng cường hợp tác ba bên với Tokyo để đối phó với các mối đe dọa và đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Theo AP, Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp sau vụ phóng mới đây của Triều Tiên.
Triều Tiên đã phóng gần 40 tên lửa đạn đạo trong 20 vụ phóng khác nhau vào năm nay. Hôm 8/9, Bình Nhưỡng thông qua luật mới cho phép nước này tấn công hạt nhân phủ đầu đối thủ để tự vệ nếu họ nhận thấy có mối đe dọa sắp diễn ra. Từ lâu, nước này đã mong muốn được công nhận là một quốc gia hạt nhân và kêu gọi sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Chính sách ngoại giao hạt nhân của Washington với Bình Nhưỡng đã bị đình trệ từ năm 2019 do những bất đồng chưa thể tìm thấy điểm chung./.