Nga đang nghiên cứu một loại tên lửa hành trình động cơ hạt nhân có thể phóng từ bất kỳ vị trí nào trên lãnh thổ nước này và dễ dàng đánh trúng mọi mục tiêu tại Mỹ.
Khả năng kép với động cơ đẩy hạt nhân và đầu đạn hạt nhân đi kèm tầm bắn gần như không giới hạn khiến tên lửa 9M720 Burevestnik (NATO đặt tên là SSC-X-9 Skyfall) cực kỳ nguy hiểm, nó cũng có thể bay thấp để né tránh các hệ thống phòng không.
Vũ khí này được nhiều chuyên gia quân sự Mỹ mệnh danh là “Chernobyl bay”, lý do là bởi Nga không có thành tích đáng tự hào liên quan đến khía cạnh an toàn của phương tiện tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên Moskva không nản lòng, Nga đã thử tên lửa hành trình này hơn một lần tại một cơ sở ở Bắc Cực gần Pankovo thuộc vùng Novaya Zemlya ở Biển Barents.
Ông Jeffrey Lewis - nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury đã xem xét các hình ảnh thu được vào năm ngoái và đưa ra một vài nhận xét về tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân Burevestnik.
Chuyên gia Lewis nói: “Về nguyên tắc, việc sử dụng một lò phản ứng hạt nhân sẽ cung cấp cho tên lửa hành trình tầm hoạt động không giới hạn để bay dưới và xung quanh các radar phòng thủ tên lửa cũng như hệ thống đánh chặn của Mỹ”.
Tuy nhiên có “những câu hỏi quan trọng về việc liệu vũ khí có thể hoạt động thành công hay không, chưa nói đến mối đe dọa mà việc thử nghiệm có thể gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người” ,ông Lewis nói thêm.
Tên lửa hành trình có đầu hạt nhân thường bay ở độ cao trung bình để tiết kiệm nhiên liệu, dẫn đến tầm bắn hữu hạn. Độ cao này cho phép các cảm biến theo dõi và tiêm kích đánh chặn đủ khả năng tiêu diệt chúng.
Ngoài ra động cơ đẩy hạt nhân có thể giúp Burevestnik sở hữu tính năng không có trong các tên lửa hành trình khác - tốc độ siêu thanh, bay thấp toàn hành trình và tầm bắn đủ đe dọa các mục tiêu quân sự và dân sự từ khoảng cách cực xa.
Nhưng Burevestnik đã phải chịu đựng một số lần thử nghiệm thất bại và động cơ hạt nhân bị coi yêu tố gây nhiều nguy cơ nhất, đặc biệt khi xem xét thành tích thử nghiệm tên lửa của Nga.
Vào năm 2019, một vụ thử thất bại ở Nenoksa trên Biển Trắng khiến tên lửa hành trình Burevestnik bị chìm, 5 chuyên gia thiệt mạng và 3 người bị thương trên một sà lan khi đạn phát nổ và hậu quả vẫn chưa khắc phục được hết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói tại lễ tưởng niệm các chuyên gia thiệt mạng rằng "vũ khí phải được hoàn thiện bất kể điều gì". Theo nhà phân tích Thomas Nilsen của Barents Observer, tên lửa Burevestnik rõ ràng gây ra những rủi ro về môi trường.
“Những thách thức về bức xạ là điều hiển nhiên: Vì lý do kích thước và trọng lượng, một lò phản ứng nhỏ bay trong không trung như vậy sẽ có khả năng hạn chế trong việc giữ một mạch làm mát kín, cho nên dễ làm phát tán các đồng vị phóng xạ vào khí quyển”.
Tên lửa Burevestnik khi bay thấp sẽ tạo ra khí thải chứa bức xạ và khi chúng rơi xuống sẽ gây nguy hiểm cho con người cũng như động vật hoang dã. Các phi cơ khác đến gần nơi tên lửa bay cũng có nguy cơ nhận bụi phóng xạ.
Tư duy Chiến tranh Lạnh coi việc phát triển "vũ khí ngày tận thế" là bình thường trong chiến lược quốc phòng của Nga. Nhưng tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân nếu nổ một lần có thể nổ tiếp, do vậy quốc tế đang cực kỳ quan ngại về "Chernobyl bay".
Bạch Dương