Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được tăng tầm bắn hơn 3 lần
Công ty BrahMos Aerospace đã tăng gấp 3 lần tầm bắn của tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, từ 290km lên khoảng 900km kể từ khi Ấn Độ trở thành thành viên Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) năm 2016.
Ngày 24/1, Hải quân Ấn Độ thông báo thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tầm bắn nâng cao, tấn công chính xác một mục tiêu trên đất liền. Những bức ảnh do Hải quân công bố cho thấy cuộc phóng thử nghiệm tên lửa được thực hiện từ khu trục hạm lớp Rajput INS Ranvir hoặc INS Ranvijay.
BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh, được trang bị cho các lực lượng Hải quân, Không quân và Lục quân Ấn Độ. Các phiên bản khác nhau của BrahMos thường xuyên được thử nghiệm để hoàn thiện và đáp ứng những yêu cầu mới của các lực lượng, trong đó có Hải quân.
Kết quả cuộc thử nghiệm ngày 24/1 đã khẳng định “khả năng tấn công chính xác với phạm vi tăng cường từ các chiến hạm sẵn sàng chiến đấu và thường trực làm nhiệm vụ.”
Cộng đồng quốc tế đã chú ý đến cảnh báo khu vực cấm bay trùng khớp với cuộc thử nghiệm. Vùng cấm bay được thông báo trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến ngày 25/1 với chiều dài tối đa lên tới 900 km. Đây là cảnh báo khu vực dài nhất được biết đến với các cuộc thử nghiệm tên lửa BrahMos, một minh chứng cho thấy, tên lửa hiện có khả năng đạt tầm bắn lên tới 900 km.
Tên lửa BrahMos, một dự án công nghệ quân sự chung giữa Ấn Độ và Nga, ban đầu bị giới hạn ở tầm bắn 290 km do Ấn Độ không phải là đối tác của Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Ấn Độ trở thành thành viên của MTCR vào năm 2016, đến tháng 3/2017, công ty Aerospace BrahMos đã đạt được tầm bắn hơn 400 km nhờ chương trình nâng cấp tên lửa. Liên doanh đã thay đổi phần mềm và thu nhỏ một số bộ phận trong hệ thống động cơ đẩy.
Tháng 7/2021, trong vụ thử nghiệm tên lửa mới, chính phủ Ấn Độ đã thông báo vùng cấm bay có chiều dài tối đa 760 km. Nhưng vụ thử nghiệm BrahMos này thất bại do bộ tăng áp không đốt cháy được sau khi phóng. Tháng 1/2022, trong vụ thử nghiệm tiếp theo, các cơ quan chức năng Ấn Độ thông báo một khu vực cấm bay tương tự với chiều dài khoảng 780 km và tên lửa BrahMos, theo các quan chức quân sự quốc gia này tuyên bố với “những tính năng kỹ thuật nâng cao” đã thử nghiệm thành công.
Tầm bắn tối đa của tên lửa khoảng 900 km là mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch phát triển của BrahMos Aerospace. Đạt được mục tiêu này, tầm bắn của tên lửa đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2016, công nghệ mở rộng tầm bắn sẽ được áp dụng cho tất cả các biến thể của tên lửa, bao gồm cả biến thể phóng từ trên không.
Những tên lửa đã sản xuất trước đây, có tầm bắn giới hạn 290 km cũng sẽ được nâng cấp để có tầm bắn mở rộng hơn nhưng khó có thể đạt được tầm bắn tối đa 900 km do nhiên liệu.
Các tên lửa BrahMos chống hạm với tầm bắn tối đa 900 km sau khi được thử nghiệm sẽ tăng cường năng lực tác chiến của Hải quân Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy Hải quân quốc gia này phát triển công nghệ nhằm tăng cường khả năng tình báo, trinh sát và giám sát (ISR), kiểm soát và nhận thức tình huống hàng hải cao hơn, vượt qua tầm bắn của tên lửa.
Theo trang Naval News, trong thời gian gần đây, Hải quân Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ các loại vũ khí tầm xa và trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ tên lửa hải quân tầm xa.
Ngày 24/1, trên tài khoản chính thức mạng xã hội X (Twitter) của BrahMos Aerospace, liên doanh này cho biết, tên lửa đã “tăng cường tầm bắn, sức mạnh hỏa lực và khả năng tàng hình”. Tên lửa BrahMos được Ấn Độ sản xuất với hàm lượng nội địa tăng từ 13% năm 2004 lên hơn 75% vào năm 2023. Một phòng thí nghiệm của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Quốc phòng (DRDO) Ấn Độ gần đây tuyên bố đã phát triển thành công nhiên liệu cho động cơ đẩy ramjet lỏng, dự kiến sẽ được sử dụng trong BrahMos và những dự án khác khi được chính phủ Ấn Độ phê chuẩn cho áp dụng. Bộ tìm kiếm vô tuyến RF, khung sườn tên lửa, nguồn điện và bộ tăng áp đã được Ấn Độ chế tạo và thử nghiệm trên tên lửa kể từ năm 2018.
Hiện nay, Liên doanh BrahMos Aerospace không có kế hoạch nội địa hóa hoàn toàn hệ thống BrahMos. Liên doanh vẫn tiếp tục nhập khẩu động cơ ramjet từ Nga do giá thành rẻ và độ tin cậy cao. Hiện nay, Ấn Độ sẵn sàng sản xuất dây chuyền 2 tên lửa 100% nội địa hóa với cả động cơ ramjet bao gồm tên lửa BrahMos NG và tên lửa, được phát triển theo chương trình DRDO Siêu thanh TARget (STAR).
Philippines đã đặt hàng 3 khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển BrahMos, được trang bị cho lực lượng Lính thủy Đánh bộ. Chủ tịch DRDO, Tiến sĩ Samir V Kamat, trong phát biểu ngày 24/1 nhấn mạnh, hoạt động xuất khẩu các hệ thống phóng mặt đất sẽ bắt đầu trong “10 ngày tới”, đạn tên lửa chống hạm dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 3. Quân đội Philippines cũng dự kiến sẽ mua sắm hệ thống tên lửa này để tấn công các mục tiêu mặt đất.