Tên lửa hành trình Tomahawk đã 'lột xác' như thế nào?
Tên lửa hành trình Tomahawk Block V, được mệnh danh là 'chiến binh Chiến tranh Lạnh' tự tin bước vào kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực trong thời đại của tên lửa siêu thanh.
Trong tháng 12 này, Hải quân Mỹ đã bắn thử tên lửa hành trình Tomahawk Block V từ tàu khu trục Chafee và tiếp nhận loại tên lửa thế hệ mới nhất này vào trang bị.
Các nội dung nâng cấp để "Chiến binh Chiến tranh Lạnh" này tự tin bước vào kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực trong thời đại của tên lửa siêu thanh được thể hiện qua các khía cạnh dưới đây:
Tầm bắn và uy lực được nâng cao
Tomahawk Block V của Raytheon phiên bản Block Va và Vb, dự kiến có thể tiêu diệt tàu mặt nước ở tầm bắn của Tomahawk trên 1.000 dặm (1 dặm = 1,609km) nhờ được tích hợp một đầu tìm mới.
Tên lửa cũng sẽ được gắn một đầu đạn mới có tính năng vượt trội, bao gồm khả năng xuyên phá cao hơn. Tomahawk không chỉ được sử dụng cho các bệ phóng trên tàu nổi mà còn trên tàu ngầm tấn công.
Khả năng sống sót cao hơn
Tomahawk Block V được nâng cấp hệ thống liên lạc và dẫn đường khiến việc phản công và phát hiện bằng điện tử trở nên khó khăn hơn, khả năng xử lý nhiễu hiệu quả hơn, qua đó, tăng khả năng sống sót. Tên lửa cũng tăng khả năng chống lại radar của đối phương.
Ngoài ra, việc nâng cấp hệ thống định vị sẽ đảm bảo tên lửa có thể tấn công mục tiêu ngay cả khi GPS bị vô hiệu hóa.
Cận âm là một tính năng không tồi
Thực tế là Tomahawk có thể bay hơn 1.000 dặm là một ưu thế của tốc độ cận âm. Lợi ích của tên lửa cận âm là tầm bắn, nó có thể di chuyển với tốc độ cao nhưng tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên, để đạt được tầm xa của tên lửa siêu âm, cần phải đầu tư nhiều hơn.
Rẻ hơn
Tên lửa hành trình Tomahawk có thể có mức giá 1 triệu USD, khá thấp đối với một tên lửa. Chi phí thấp là ưu thế và là khác biệt chính của Tomahawk, vì vậy, thiết bị có thể được mua với số lượng nhiều hơn, đề phòng khả năng bị mất một số trong phòng thủ.
Giá cả cũng là một trong những lý do tại sao Tomahawk sẽ có trong trang bị trong thời gian tới, khi nó mang lại khả năng chống hạm tầm xa hơn. Giá thành ở mức khoảng 1 triệu USD mỗi lần bắn là một lợi thế lớn của Tomahawk, đặc biệt đối với các nhiệm vụ tầm thấp.
Có phân khúc riêng
Chìa khóa để sử dụng chiến thuật một tên lửa hành trình cận âm là cách nó kết hợp với các loại vũ khí khác. Không phải tất cả mọi vũ khí đều phải siêu thanh hoặc thậm chí là siêu vượt âm, miễn là chi phí cho mỗi loại khiến nó trở nên hấp dẫn trong bối cảnh các mối đe dọa đa dạng và đối thủ cụ thể.
Trong các cuộc chiến hiện đại, vũ khí siêu thanh sẽ không thay thế hoàn toàn vũ khí cận âm. Phương thức tấn công là bắn tên lửa cận âm sớm hơn, để chúng bay sớm hơn và mọi tên lửa trúng mục tiêu cùng lúc.
Sự kết hợp rất quan trọng này cho thấy, ngay cả khi có sự xuất hiện của một tên lửa nhanh hơn, Tomahawk vẫn có chỗ đứng của nó. Sự kết hợp của tên lửa đánh chặn SM-6, có chế độ tấn công trên mặt nước, tên lửa tấn công chống hạm tầm xa 100 dặm (NSM) mới được trang bị cho các tàu chiến ven bờ, và các phiên bản Tomahawk Block V nâng cấp, sẽ cho phép Hải quân Mỹ sở hữu bộ sưu tập vũ khí tấn công mạnh hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh Tomahawk là sự phát triển của tên lửa siêu thanh, vì công nghệ ngày càng tiên tiến hơn và có kích thước tương thích với bệ phóng Mark 41 VLS phổ biến của Hải quân Mỹ. Những gì đang diễn ra song song là quá trình phát triển tên lửa siêu thanh có cấu hình nhỏ hơn so với các loại vũ khí siêu lượn.
Và nếu có thể phóng từ Mark 41, vũ khí siêu thanh mới sẽ cung cấp cho Hải quân Mỹ một thế hệ vũ khí tiếp theo có khả năng sống sót cao hơn và thời gian bay ngắn hơn. Vì vậy, sự kết hợp các tên lửa hiện có với vũ khí siêu thanh sẽ khiến Hải quân Mỹ gắn bó với những vũ khí họ đang sở hữu.
(theo Defense News)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ten-lua-hanh-trinh-tomahawk-da-lot-xac-nhu-the-nao-131612.html