Tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ phóng vào Syria nguy hiểm thế nào?

Tên lửa hành trình Tomahawk lại 'tái xuất' trong cuộc tấn công của Mỹ vào căn cứ quân sự Syria. Mặc dù đã hơn '30 tuổi' nhưng Tomahawk vẫn chứng minh được sức mạnh của mình.

Sức mạnh "vượt thời gian" của Tomahawk

Tên lửa hành trình Tomahawk được phát triển từ những năm 1980 bởi tập đoàn Raytheon của Mỹ, với giá 600.000 USD/quả loại thường và 1,45 triệu USD/quả loại chiến thuật. Hiện nay, Hải quân Mỹ có trong kho khoảng 3.500 tên lửa hành trình Tomahawk thuộc mọi biến thể, với tổng giá trị xấp xỉ 2,6 tỷ USD.

Với trọng lượng 1.300 kg và chiều dài 5,56 m (phiên bản thường) và trọng lượng 1.600 kg, chiều dài 6,25 m (phiên bản tăng cường), Tomahawk mang được đầu đạn nặng 450 kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80.

Tên lửa hành trình Tomahawk có sức mạnh rất đáng nể

Tên lửa hành trình Tomahawk có sức mạnh rất đáng nể

Về khả năng bay, ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí có thể điều khiển tên lửa thông qua hệ thống định vị toàn cầu. Trong trường hợp tự hành theo lịch trình được cài đặt sẵn, tên lửa Tomahawk vẫn nhận các tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh hoặc hệ thống do thám tối tân của Mỹ.

Tính năng vượt trội của tên lửa Tomahawk là dù tầm bắn lên tới 2.500 km và tốc độ 880 km/h, Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu khi đang di chuyển. Tên lửa này không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương, qua đó giúp khả năng "sống sót" của Tomahawk rất cao.

Video Mỹ phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công Syria

Ngoài ra, do khả năng mang theo đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, Tomakawk có sức công phá lớn hơn rất nhiều so với dáng vẻ bề ngoài của nó.

Tên lửa Tomahawk có 4 phiên bản chính, bao gồm: Phiên bản hạt nhân Block II TLAM-A, phiên bản tiêu chuẩn Block III TLAM-C, phiên bản bom chùm Block III TLAM-D và phiên bản chiến thuật mới nhất Block IV TLAM-E.

Tomahawk nguy hiểm nhờ không ngừng được cải tiến

Theo nguồn Dân Trí, dù khả năng tấn công mục tiêu của Tomahawk khiến cả thế giới phải khiếp sợ, nhưng Mỹ dường như không muốn dừng lại. Hải quân Mỹ cho biết lực lượng này có thể bổ sung chức năng chống hạm cho tên lửa hành trình Tomahawk bên cạnh chức năng tấn công trên bộ. Sau khi cải tiến, tên lửa có thể diệt hạm trong phạm vi 1.850 km.

Trên thực tế, ngay từ tháng 5-2015, công ty Raytheon đã tiến hành thử nghiệm thành công khả năng đánh mục tiêu di động của tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk Block IV. Để có khả năng này, Raytheon trang bị cho phiên bản Block IV đầu tự dẫn. Đầu tự dẫn thụ động và bộ xử lý cho phép nhận các tín hiệu từ các mục tiêu trong tình huống điện từ phức tạp.

Dù "nhiều tuổi" song Tomahawk vẫn liên tục được cập nhật tính năng mới

Dù "nhiều tuổi" song Tomahawk vẫn liên tục được cập nhật tính năng mới

Theo ông Chris Sprinkle – quản lý chương trình phát triển Tomahawk của Raytheon, lợi thế của hệ thống thông tin loại này cho phép tăng cường khả năng theo dõi và tiêu diệt mục tiêu di chuyển cả trên mặt đất và trên mặt nước.

Ngoài ra, Tomahawk Block IV còn có khả năng nhận các thông tin về mục tiêu từ hệ thống máy bay không người lái. Tomahawk Block IV cũng có hệ thống định vị bằng camera có tên là hệ thống so sánh điện tử - quang học. Không chỉ vậy, Tomahawk còn có bộ chống nhiễu GPS để có thể hoạt động trong môi trường GPS bị gây nhiễu nhằm ngăn tên lửa hoạt động hiệu quả.

Lịch sử 30 năm thống trị thế giới của tên lửa hành trình Tomahawk

Không một loại tên lửa hành trình nào có bề dày thành tích ấn tượng như Tomahawk. Khoảng 1.562 tên lửa đã được phóng đi trong các cuộc chiến (chưa kể các lần phóng thử nghiệm hay tập trận khác).

Theo nguồn Đất Việt, lần đầu tiên Tomahawk tham chiến là trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc, 297 tên lửa đã được sử dụng. Trong đó, 282 tên lửa phóng thành công, 9 tên lửa bị "xịt" không thể rời ống phóng, 6 tên lửa bị rơi xuống nước ngay sau khi rời ống phóng.

Ngày 26-3-1993, 23 tên lửa Tomahawk đã được sử dụng để tấn công Cơ quan tình báo Iraq. Ngày 10-9-1995, 13 tên lửa đã được phóng đi từ bờ biển Adriatic nhắm vào một tháp chuyển tiếp vô tuyến điện của mạng lưới phòng không Bosnia trong chiến dịch Deliberate.

Ngày 3-9-1996, khoảng 44 quả UGM-109 được phóng từ tàu ngầm tấn công mục tiêu phòng không ở miền Nam Iraq.

Ngày 20-8-1998, khoảng 75 tên lửa đã được phóng đi để tấn công 2 khu vực riêng biệt ở Afghanistan và Sudan nhằm trả đũa vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ của al Qaeda.

Mùa xuân năm 1999, khoảng 218 tên lửa Tomahawk đã được phóng đi trong chiến dịch tấn công Nam Tư.

Tháng 10-2001, hơn 50 tên lửa đã được phóng đi để tấn công vào các mục tiêu ở Afghanistan trong những giờ đầu của chiến dịch Tự do bền vững.

Tomahawk được coi là một trong những vũ khí đáng sợ nhất của Mỹ

Tomahawk được coi là một trong những vũ khí đáng sợ nhất của Mỹ

Trong chiến tranh Iraq năm 2003, người ta ghi nhận số lượng kỷ lục tên lửa Tomahawk được sử dụng trong một cuộc chiến. Hơn 725 quả đã được phóng đi tấn công các mục tiêu trên khắp Iraq. Trong tháng 7-2009, ít nhất 2 tên lửa Tomahawk đã được phóng đi tấn công mục tiêu ở Yemen. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết 55 người đã thiệt mạng gồm 41 dân thường (21 trẻ em, 14 phụ nữ và 6 người đàn ông) trong vụ tấn công này.

Lần sử dụng Tomahawk nhiều nhất gần đây là trong chiến dịch Bình minh Odyssey chống lại Libya vào tháng 3-2011. Khi đó, ít nhất 124 quả tên lửa Tomahawk đã được sử dụng. Số tên lửa này đã góp phần quan trọng trong việc nhanh chóng “hạ gục” mạng lưới phòng không Libya.

Với tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu trong thực chiến đạt tới hơn 90%, tên lửa Tomahawk sở hữu sức mạnh đáng mơ ước đối với bất kỳ loại tên lửa hành trình nào.

Trung Hiếu - Phương Thu (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/ten-lua-hanh-trinh-tomahawk-my-phong-vao-syria-nguy-hiem-the-nao/723949.antd