Tên lửa Hellfire R9X Ninja: Định đoạt mọi cuộc chiến trong tương lai?
Tên lửa Hellfire R9X Ninja bỗng nổi danh sau vụ ám sát thủ lĩnh al-Qaeda gần đây, thế nhưng thứ vũ khí này thực chất còn đang thay đổi toàn bộ bộ mặt vũ khí trong tương lai.
Từ câu chuyện tên lửa Ninja
Vụ ám sát thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri gần đây bằng máy bay không người lái của CIA là phản ứng mới nhất của Mỹ đối với sự kiện 11/9.
Nhưng gác lại một bên cuộc chiến chống khủng bố, giới quan sát chú ý nhiều hơn đến một xu hướng mới của vũ khí. Hãy nhìn vào vũ khí sử dụng để tiêu diệt al-Zawahiri: tên lửa Hellfire R9X "Ninja".
Tên lửa Hellfire ban đầu được phát triển vào những năm 1970 và 1980 để tiêu diệt xe tăng Liên Xô. Những cải tiến nhanh chóng xuất hiện từ những năm 1990 trở đi đã tiến đến sự ra đời của nhiều biến thể với các khả năng khác nhau.
Chúng có thể được phóng từ trực thăng hoặc máy bay không người lái Reaper. Tùy loại sức công phá khác nhau mà tên lửa có thể được thiết lập để tấn công theo những cách khác nhau: nổ khi va chạm hoặc trước khi va chạm.
Phiên bản đang được nhắc đến hiện nay là Hellfire R9X "Ninja". Nó không phải là mới, mặc dù đã ẩn mình trong bóng tối suốt 5 năm. Vũ khí này được cho là đã sử dụng vào năm 2017 ở Syria để ám sát phó thủ lĩnh al-Qaeda, Abu Khayr al-Masri.
Tên lửa Ninja không dựa vào đầu đạn nổ để tiêu diệt mục tiêu mà sử dụng tốc độ, độ chính xác và động năng của một tên lửa nặng 45kg được bắn từ độ cao lên đến 6000m, trang bị sáu lưỡi dao bung ra vào thời điểm cuối cùng trước khi va chạm.
Tên lửa Ninja là phát triển mới nhất nhằm mục tiêu chính xác và tiêu diệt một mục tiêu duy nhất. Không có vụ nổ, không có sự phá hủy trên diện rộng và không có ai ngoài cuộc thiệt mạng.
Sự nổi bật của tên lửa Ninja cho thấy một xu thế mới, đó là các nước bắt đầu phát triển những vũ khí thông minh hơn, tự động hơn và nhắm mục tiêu vô cùng chính xác, thay cho các loại vũ khí gây thiệt hại trên diện rộng khác.
Kỷ nguyên tự hành
Ở quy mô nhỏ, những chú chó robot có gắn súng máy đang nổi lên trên thị trường vũ khí. Công ty phát triển vũ khí Sword International đã sử dụng một thiết bị tự hành bốn chân có tên là Ghost Robotics - hay còn gọi là robot chó - và gắn một khẩu súng trường tấn công trên đó.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã phát triển bốn loại máy bay không người lái tự hành, có thể xác định và tiêu diệt mục tiêu tự động, không cần hướng dẫn của người điều khiển hoặc điều hướng bằng GPS.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc từ tháng 3 năm 2021, một hệ thống vũ khí tự hành tương tự đã được sử dụng ở Libya để chống lại một đoàn xe hậu cần liên kết với nhóm vũ trang của tướng Khalifa Haftar.
Vũ khí tự hành không cần GPS dẫn đường có ý nghĩa đặc biệt. Trong một cuộc chiến tương lai giữa các cường quốc, các vệ tinh cung cấp định vị GPS có thể bị bắn hạ. Vì vậy, bất kỳ hệ thống quân sự hoặc máy bay nào dựa vào tín hiệu GPS để điều hướng hoặc nhắm mục tiêu sẽ không thể phát huy hiệu quả.
Trung Quốc, Nga , Ấn Độ và Mỹ đã phát triển vũ khí tiêu diệt các vệ tinh cung cấp định vị toàn cầu cho các hệ thống định vị vệ tinh trên ô tô và dẫn đường cho máy bay dân sự. Kịch bản ác mộng ở đây là sự kết hợp những hệ thống vũ khí này và nhiều hệ thống vũ khí khác có trí tuệ nhân tạo.
Nhóm chiến dịch Stop the Killer Robots đã kêu gọi suốt thời gian qua về một lệnh cấm quốc tế đối với các hệ thống vũ khí tự hành sát thủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bế tắc trong các cuộc thảo luận của Liên Hợp Quốc.
Australia, Israel, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đã phản đối một hiệp ước hạn chế đối với các hệ thống vũ khí tự hành sát thủ.
Bên ngoài các cuộc đàm phán quốc tế và các tổ chức vận động, các chuyên gia độc lập cũng đang đề xuất các giải pháp thay thế.
Ví dụ, vào năm 2019, nhà đạo đức học người Mỹ Deane-Peter Baker đã tập hợp một nhóm các nguyên tắc hướng dẫn cho việc phát triển và sử dụng các hệ thống vũ khí tự hành sát thủ.
Những nguyên tắc này không giải quyết được sự bế tắc chính trị giữa các siêu cường, nhưng nếu vũ khí tự hành muốn tồn tại thì cần phải có những nỗ lực đưa ra bộ quy tắc cần thiết nhằm tránh những kịch bản tồi tệ.