Tên lửa Iran đã đánh chính xác căn cứ không quân Assad như thế nào? Liệu có phải Iran cố tình tránh gây thương vong cho quân Mỹ?
Vào sáng sớm ngày 8/1, giờ địa phương, Iran đã phát động 'cuộc tấn công trả thù' vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq bằng các tên lửa đạn đạo. Quân đội Mỹ thừa nhận rằng 10 tên lửa đạn đạo đã bắn trúng căn cứ Assad nơi có 1.500 lính Mỹ đồn trú, nhưng theo ông Trump thì không có binh sĩ nào thương vong và thiệt hại vật chất 'rất nhỏ'. Trong khi đó, Đài truyền hình quốc gia Iran lại nói tên lửa đã giết chết 80 'kẻ khủng bố người Mỹ' và làm 200 người khác bị thương, nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh như máy bay, trực thăng...bị hư hại nghiêm trọng.
Sau khi trời sáng, các vệ tinh thương mại đã chụp được hình ảnh những gì đã xảy ra sau khi căn cứ Assad bị tấn công. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tên lửa đạn đạo “Fatah-313” của Iran đã bắn trúng chính xác nhiều nhà chứa máy bay tạm thời và các thiết bị sân bay trong các căn cứ quân sự của Mỹ.
Mặc dù một số nguồn tin quân sự của Mỹ cho rằng tên lửa của Iran đã “tránh các mục tiêu có giá trị cao và con người” của quân đội Mỹ để đạt được “mức sát thương tối thiểu” và “đe dọa tối đa”. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ đã bác bỏ giả thuyết “Iran đã tránh các mục tiêu có giá trị cao”, ông cho rằng Iran đã hành động nhằm giết các quân nhân Mỹ”.
Các nhà lãnh đạo Iran tham quan tên lửa Fatah-313 (Ảnh: Guancha)
Các nhà bình luận quân sự của mạng Guancha, Trung Quốc cho rằng hai loại tên lửa đạn đạo do Iran phóng chỉ cần 10 phút từ lúc phóng đến khi tới mục tiêu mà thời gian báo động sơ tán trước của quân Mỹ sẽ không vượt quá 8 phút, điều đó có nghĩa là trừ khi quân đội Hoa Kỳ đã sơ tán từ trước, còn không thể có chuyện “không có thương vong”.
Liên quan đến việc quân đội Mỹ có được thông báo trước để sơ tán hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đều từ chối bình luận.
Theo trang web The Drive của Mỹ ngày 9/1, tên lửa Iran đã tấn công căn cứ không quân Assad và căn cứ Erbil vào sáng sớm ngày 8/1 giờ địa phương. Bộ Tư lệnh Trung tâm (USCENTCOM) xác nhận 10 “tên lửa đạn đạo” đã bắn trúng căn cứ Assad.
Các nhà bình luận quân sự Trung Quốc cho rằng có 9 vị trí trong căn cứ Assad bị trúng tên lửa (Ảnh: Guancha)
Sau khi trời sáng, hình ảnh của vệ tinh The Sat chụp mà Planet Labs thu được cho thấy tên lửa “Fatah-313” của Iran đã bắn trúng nhiều nhà chứa máy bay tạm thời và các thiết bị sân bay trong căn cứ, thể hiện khả năng tấn công chính xác của chúng. Ảnh chụp của vệ tinh thương mại Skysat có độ phân giải là 0,8 mét, tuy thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng chung của hình ảnh, nhưng thiệt hại do tên lửa Iran gây ra vẫn thấy rất rõ.
Những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, tên lửa Iran đã phá hủy một số nhà chứa máy bay tạm thời ở góc phía tây nam của căn cứ không quân Assad. Một tên lửa cũng đánh trúng đường băng sân bay. Ngay cạnh nhà chứa máy bay bị phá hủy có nhiều máy bay đang đậu, bao gồm máy bay cánh quạt Osprey và trực thăng Black Hawk của lực lượng Thủy quân lục chiến. Do thời gian hình ảnh vệ tinh chụp là 10 giờ sau vụ tấn công, nên không thể xác định liệu những chiếc máy bay này có mặt tại thời điểm xảy ra vụ tấn công hay không.
Các máy bay Mỹ đậu ngay bên cạnh điểm bị tên lửa bắn trên đường băng (Ảnh: Guancha)
Ngoài góc phía Tây Nam, tên lửa Iran cũng đã phá hủy nhiều thiết chế ở trung tâm và phía đông bắc của sân bay. Điều đáng nói là Iran đã không đánh vào khu kho bom đạn bên ngoài sân bay và khu vực kho nhiên liệu bên trong sân bay.
Sau khi nghiên cứu và đọc hình ảnh vệ tinh, trang The Drive cho rằng “Iran đã phóng 14 tên lửa đạn đạo tới căn cứ không quân Assad, 3 quả thất bại và 11 quả bắn trúng, nhưng chúng tôi mới chỉ tìm thấy chưa đến một nửa (5 địa điểm) khu vực bị đánh. Nhưng điều này không có nghĩa là Iran đánh không trúng mà họ có thể bắn nhiều tên lửa vào một mục tiêu để có được hiệu quả tốt hơn”.
Tuy nhiên, các nhà bình luận quân sự của Guancha (Trung Quốc) đã đếm được 9 điểm trong căn cứ Assad bị tên lửa bắn trúng.
Một phần căn cứ không quân Assad của Mỹ ở Iraq (Ảnh: Guancha)
Assad là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Iraq. 1.500 trong số 5.000 lính Mỹ đồn trú tại Iraq đã thường xuyên đóng ở đây. Căn cứ này có sự hiện diện lâu dài của các máy bay Osprey, trực thăng vũ trang AH-1Z, máy bay vận tải C-130 và máy bay không người lái MQ-9B của Thủy quân lục chiến; là “điểm tựa” cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq. Căn cứ này được xây dựng trong thời kỳ Tổng thống Saddam. Nó đã bị quân đội Mỹ bỏ rơi sau khi rút khỏi Iraq năm 2011. Sau sự trỗi dậy của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng năm 2014, lực lượng Mỹ đã quay trở lại và xây dựng lại căn cứ.
Tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã đến thăm các binh sĩ đóng tại căn cứ không quân Assad.
Ông Donald Trump nói chuyện với binh lính Mỹ ở Assad khi tới thăm tháng 12/2018 (Ảnh: Guancha)
Trước vụ tấn công tên lửa ngày 8/1, không có thông tin nào về việc các lực lượng Hoa Kỳ triển khai các hệ thống tên lửa phòng không Patriot bên trong hoặc xung quanh Assad. Tuy nhiên, The Drive cho biết ngay cả khi Patriot hoặc các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo khác đã được triển khai vào thời điểm đó, chúng vẫn không thể đánh chặn thành công tất cả các tên lửa phóng từ Iran. Vào tháng 9 năm 2019, hơn 40 hệ thống Patriot bố trí ở phía Bắc Arab Saudi cũng không thể đánh chặn được các tên lửa hành trình của nhóm vũ trang Houthi tấn công các mỏ dầu của Arab Saudi.
Hãng thông tấn Fars của Iran viết trên Twitter rằng cuộc tấn công lần này có thể đã sử dụng tên lửa đạn đạo kiểu Fatah-313 mới nhất.
Ông Trump nói tại Nhà Trắng trưa 8/1: không có binh sĩ Mỹ nào thương vong trong cuộc tấn công của Iran (Ảnh: Guancha)
Fatah-313 là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn do Iran phát triển năm 2015. Đây cũng là loại tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo được trang bị với khả năng dẫn đường chính xác nhất định. Tên lửa có thể đạt tầm bắn 500 km và áp dụng phương pháp dẫn đường kết hợp quán tính/vệ tinh. Phần đầu chiến đấu của nó có 4 cánh có khả năng cơ động cao; xác suất trúng đích sai lệch trong vòng tròn đường kính 50 mét. Một số biến thể Fatah-313 sử dụng phương pháp dẫn đường truyền hình hồng ngoại đầu cuối, xác suất trúng đích chỉ sai lệch trong vòng tròn đường kính 10 mét. Tên lửa Fatah-313 cũng có đầu chiến đấu EFP, giúp tăng khả năng gây sát thương cho các mục tiêu bọc thép.
Đây không phải là lần đầu tiên tên lửa Fatah-313 thể hiện khả năng tấn công chính xác mạnh mẽ trong thực tế chiến đấu. Năm 2017, Iran đã sử dụng loại tên lửa này để tấn công các mục tiêu có giá trị cao của những kẻ khủng bố Syria. Trên chiến trường Yemen năm 2018, lực lượng vũ trang Houthi của Yemen liên tục sử dụng tên lửa BADR được lắp bộ phận dẫn đường chính xác của Iran để tấn công căn cứ của liên quân ở Arab Saudi.
Hình ảnh do máy bay không người lái chụp loại tên lửa BADR được lắp bộ phận dẫn đường chính xác của Iran dân quân Houthi sử dụng tấn công căn cứ của liên quân ở Arab Saudi (Ảnh: Guancha)
Các nhà bình luận quân sự của Guancha cho rằng tên lửa đạn đạo Fatah-313 có chiều cao bay tối đa khoảng 80.000 mét với tốc độ bay tối đa Mach 4.5. Chỉ mất 8 phút để chúng bay tới căn cứ Assad, nếu lực lượng Mỹ không được sơ tán trước thì 1.500 quân ở đây không thể có chuyện “thương vong bằng không”.
Về thiệt hại do cuộc tấn công của Iran gây ra, ông Trump nói trong một bài phát biểu trưa 8/1 theo giờ Washington rằng không có người Mỹ nào bị thương và các cơ sở quân sự chỉ thiệt hại nhẹ trong cuộc tấn công bằng Iran điều hành, tất cả người Mỹ đều cần cảm thấy hạnh phúc.
The Drive cho rằng cuộc tấn công của Iran vào các nhà chứa máy bay và các thiết chế khác là để tránh gây thương vong hoặc đạt được các hiệu quả đặc biệt khác, điều này cho thấy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đặt niềm tin tin vào tính năng và độ chính xác của số lượng tên lửa khổng lồ mà họ sở hữu.
Jake Tapper, biên tập viên cao cấp của CNN nói trên mạng xã hội, các quan chức Lầu Năm Góc nói với ông rằng tên lửa của Iran đã “tránh chính xác các mục tiêu có giá trị cao và nhân viên của Mỹ” để đạt được “tiêu diệt tối thiểu” và “răn đe tối đa”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng TMT liên quân Mark Milley cho rằng Iran cố tình gây thương vong cho binh sĩ Mỹ (Ảnh: Stars and Stripes)
Theo trang Stars and Stripes của quân đội Mỹ ngày 9/1, một số quan chức trước hôm thứ Tư (8/1) đã nghi ngờ rằng Iran có thể sẽ cố tình gây thương vong cho người Mỹ. Các quan chức này không muốn nêu tên vì họ không được ủy quyền phát biểu quan điểm.
Tuy nhiên, quan điểm này đã bị giới cấp cao nhất của quân đội Mỹ bác bỏ. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, khi nói về những căng thẳng gần đây ở Trung Đông với các thành viên Quốc hội, đã cho rằng theo đánh giá của ông, mục đích tấn công của Iran vào căn cứ không quân Assad là để “gây thiệt hại cho cấu trúc của căn cứ, phá hủy xe cộ, trang thiết bị, máy bay chiến đấu và giết hại các quân nhân Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, sau đó ông lại nói rằng đây chỉ là “nhận định cá nhân” của ông.
Ông bác bỏ các thông tin về “Iran chọn lựa các mục tiêu cụ thể”. Milley nói, lý do quân đội Mỹ đạt được “số thương vong bằng 0” là vì khả năng cảnh báo sớm hoàn thiện và thông báo kịp thời. Đồng thời, lính Mỹ trong căn cứ đã được sơ tán từ trước và áp dụng “đối sách phòng ngự” cùng “kỹ thuật phòng ngự”. Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cho biết, tình báo Mỹ sẽ nỗ lực làm việc để xác định liệu tên lửa của Iran có nhằm gây thương vong cho quân đội Mỹ hay không.
Các thông tin trước hôm thứ Tư cho thấy Mỹ đã nhận được cảnh báo bằng lời nói từ người Iraq một giờ trước cuộc tấn công, nhưng cả ông Esper và Milley đều từ chối xác nhận quân đội có nhận được những cảnh báo như vậy hay không.
Sau khi những hình ảnh vệ tinh được công bố, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã công nhận cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran là một “mối đe dọa lớn” đối với Mỹ. Cựu nhân viên tình báo Hoa Kỳ Scott Ritter nói trong một bài xã luận trên trang RT rằng, Iran không muốn gây thương vong cho Mỹ trong vụ tấn công, mà chỉ muốn cho ông Trump biết rằng tên lửa đạn đạo của Iran đã tiến bộ đáng kể cả trong độ tin cậy, tầm bắn và độ chính xác. Người Iran đã làm được điều họ muốn.