Tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ thông báo họ đã phát triển một loại tên lửa không đối đất tầm trung thế hệ mới có tên gọi JAGM-Medium Range (viết tắt là JAGM-MR), các bài thử nghiệm gần đây cho kết quả rất tích cực.
Thông cáo báo chí do Lockheed Martin ban hành cho hay, tên lửa JAGM-MR đã thực hiện vụ phóng thử đầu tiên vào ngày 16/11/2022 tại căn cứ hàng không hải quân China Lake ở California, quả đạn đã vượt qua quãng đường khoảng 16 km.
Trọng tâm của vụ phóng thử nói trên là đánh giá hiệu năng đối với đầu dò quang điện tử (GOS) 3 chế độ. Theo thông báo, các kỹ sư của Lockheed Marin đang "tích cực thu thập dữ liệu để tiến hành những cuộc thử nghiệm tiếp theo trong thời gian tới".
JAGM-MR là biến thể cải tiến từ tên lửa không đối đất AGM-179, nó được phát triển để thay thế cả 3 loại tên lửa tấn công hiện có trong Quân đội Mỹ, bao gồm BGM-71 TOW, AGM-114 Hellfire và AGM-65 Maverick.
Tuy nhiên JAGM-MR chủ yếu sẽ nhận nhiệm vụ thay thế tên lửa Hellfire và được sử dụng trên trực thăng tấn công AH-64E Apache của Lục quân cũng như AH-1Z Viper của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Đây được xem là câu trả lời của Mỹ trước Nga, khi Moskva tuyên bố tên lửa Izdeliye 305 thế hệ mới trang bị cho các máy bay trực thăng vũ trang của mình là "độc nhất vô nhị" và "không có đối thủ".
Izdelye 305 (Sản phẩm 305) được Nga gọi là tên lửa chống tăng tầm xa nhất thế giới. Moskva cho biết vũ khí trên đã được sử dụng từ trực thăng vũ trang Mi-28NM Night Hunter cả vào ban ngày lẫn ban đêm để tấn công các mục tiêu đơn lẻ hoặc theo nhóm.
Quy trình bắn tên lửa Izdeliye 305 theo quy tắc sau, đầu tiên đối tượng cần tiêu diệt được xác định chính xác bởi GOS khi đạn được treo trên trực thăng. Sau khi phóng, tên lửa sẽ hoạt động theo nguyên tắc "bắn và quên".
Là một phần của chế độ điều khiển từ xa, việc nhắm mục tiêu cho tên lửa Izdeliye 305 dựa vào những tọa độ được xác định trước, bên ngoài tầm nhìn của đối tượng.
Việc tiếp cận mục tiêu ban đầu diễn ra theo đường bay quán tính. Khi tới gần đối tượng, GOS sẽ được kích hoạt, dữ liệu từ đó được truyền trực tiếp tới buồng lái trực thăng đã phóng quả đạn.
Khi đó phi công sẽ xác nhận cuộc tấn công sắp diễn ra và cho phép đầu dò trên tên lửa "khóa" mục tiêu một lần nữa, thao tác trên có thể hủy bỏ vào phút chót nếu phát sinh yếu tố bất thường.
Động cơ nhiên liệu rắn cung cấp tốc độ tối đa lên đến 250 m/s, độ cao hoạt động từ 100 đến 600 m, đầu đạn của tên lửa Izdeliye 305 với khối lượng 25 kg, đủ sức tiêu diệt bất kỳ loại xe tăng, xe bọc thép nào của kẻ thù.
So sánh giữa hai loại tên lửa không đối đất nói trên thì Izdeliye 305 do Nga chế tạo có vẻ nhỉnh hơn về thông số lý thuyết, mặc dù vậy tầm bắn hiệu quả cũng như độ chính xác của đầu dò thì chưa chứng minh được độ vượt trội so với JAGM-MR.
Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng thiết bị quang điện tử của Mỹ vẫn được đánh giá cao hơn Nga rất nhiều, bởi vậy cho dù tầm bắn tối đa ngắn hơn nhưng cự ly hiệu quả của tên lửa JAGM-MR lại tốt hơn Izdeliye 305.