Theo một bài phân tích đăng trên tạp chí Military Watch (MW) của Mỹ, hệ thống tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet của Nga đã tấn công tất cả các loại xe tăng chính do phương Tây sản xuất.
Nhận định này được đưa ra sau khi London xác nhận việc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của họ bị phá hủy trong khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt vào đầu tháng 9 năm 2023.
Sau khi nghiên cứu chiếc xe tăng Challenger 2 bị phá hủy, tạp chí MW nhấn mạnh rằng những dấu hiệu ghi nhận bác bỏ tuyên bố rằng chiếc MBT nói trên bị tiêu diệt bởi máy bay không người lái cảm tử Lancet, hoặc bị pháo binh Nga bắn trúng trực tiếp.
Các nhà phân tích của tạp chí Mỹ nhấn mạnh: "Những tuyên bố về việc tên lửa chống tăng Kornet đã được sử dụng phù hợp với những gì quan sát thấy liên quan tới tốc độ và quỹ đạo của quả đạn".
"Điều này đánh dấu một thắng lợi lớn cho hệ thống vũ khí diệt tăng của Nga, vốn được sử dụng chủ yếu như một nền tảng di động, nhưng đôi khi được lắp đặt trên các phương tiện thiết giáp hạng nhẹ".
Tạp chí Military Watch gọi ATGM Kornet của Nga là hệ thống mạnh nhất và là mối đe dọa chính đối với mọi xe tăng phương Tây trong khu vực diễn ra chiến sự tại Ukraine.
Ấn phẩm này nhắc lại, việc tên lửa Kornet đánh bại xe tăng phương Tây đã bắt đầu từ năm 2003, khi các hệ thống chống tăng được sử dụng trong chiến đấu tại Iraq, đã bắn hạ nhiều xe tăng M1 Abrams.
Sau đó ở Trung Đông, vũ khí của Nga tiếp tục tiêu diệt xe tăng M1 Abrams của Mỹ, nhưng lần này chiến tích của nó còn tiếp tục mở rộng với Merkava 4 của Israel và Leopard 2 do Đức sản xuất.
Kornet là hệ thống tên lửa chống tăng mang vác hạng nhẹ trọng lượng 28 kg được đưa vào sử dụng từ năm 1998. Đặc điểm đáng chú ý của tên lửa là đầu đạn song song, giúp cải thiện đáng kể khả năng xuyên giáp của nó.
Đồng thời, các nhà phân tích người Mỹ chỉ ra rằng khả năng xuyên giáp của Kornet không phải là tốt nhất trong kho vũ khí Nga, khi hiện nay các tên lửa Vikhr thế hệ mới, nặng hơn nhiều do trực thăng chiến đấu Ka-52 phóng đi mới thực sự nguy hiểm.
Tên lửa Vikhr gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều đối với các phương tiện bọc thép hạng nặng của phương Tây và có thể có khả năng xuyên thủng giáp xe tăng Challenger 2 từ phía trước mà không gặp trở ngại.
Ấn phẩm Military Watch lưu ý thêm rằng khả năng tên lửa Kornet vô hiệu hóa hoàn toàn các xe tăng phương Tây sẽ gây ra mối lo ngại nghiêm trọng giữa các quốc gia thành viên NATO.
Tuy vậy điểm yếu của tên lửa Kornet cũng được chỉ ra đó là vũ khí này không có khả năng "phóng và quên", vẫn yêu cầu xạ thủ phải chiếu chùm laser đánh dấu mục tiêu cho đạn trong toàn bộ quá trình bay.
Điều này làm giảm tính chính xác đồng thời gây ra nguy cơ lớn đối với người bắn, bởi vì đối phương có thể nhận ra và kịp thời phản kích bằng các loại đạn cao tốc, bởi tốc độ bay của tên lửa chống tăng Kornet là khá chậm.