Quân đội Nga được cho là đang nghiên cứu phát triển một loại tên lửa mang đầu đạn xung điện từ công suất lớn có sức hủy diệt cực kỳ khủng khiếp.
Theo các chuyên gia quân sự, trong tác chiến hiện đại, vai trò của vũ khí xung điện từ nhằm phá hủy khả năng chiến đấu của một mục tiêu cụ thể đang ngày càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên có vẻ như Nga đã quyết định lựa chọn hướng đi khác, đó là tạo ra một tên lửa mang đầu đạn xung điện từ có khả năng hủy diệt thiết bị điện, điện tử trong bán kính lên tới 400 km.
Thực tế cho thấy tác động của xung điện từ định hướng có phạm vi khá hạn chế, nhưng nếu sử dụng đầu đạn, vụ nổ sẽ tạo ra bức xạ điện từ (EMP) cực mạnh, đủ sức vô hiệu hóa mọi căn cứ quân sự, sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc của đối phương trong bán kính lên tới 400 km.
Loại vũ khí này được cho là đang dần hình thành ở Nga, theo một số báo cáo, hiện tại quá trình nghiên cứu đang được tiến hành khẩn trương và dự kiến trong tương lai, đầu đạn xung điện từ sẽ được tích hợp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
"Việc cho phát nổ một đầu đạn có khả năng tạo ra EMP đa hướng vô cùng mạnh mẽ, cho phép phá hủy toàn bộ căn cứ quân sự, làm gián đoạn hoạt động của vệ tinh, ngắt liên lạc, vô hiệu hóa hệ thống phòng không và tên lửa của đối phương".
"Cuộc tấn công với vũ khí như vậy có thể được coi là bước đi chuẩn bị hoặc phòng ngừa, và chỉ cần một vài đầu đạn nổ cùng lúc trên lãnh thổ đối phương sẽ gây hậu quả cực kỳ khủng khiếp”.
“Vũ khí như vậy sẽ cho phép vô hiệu hóa toàn bộ không quân, hải quân cũng như hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa, ngoài ra hoàn toàn không gây tổn thất về nhân lực".
"Đáng chú ý là nếu một đầu đạn được kích hoạt ở độ cao vài chục km, các phương tiện phòng không của đối phương sẽ khó mà đánh chặn nổi, và trong tình huống này bán kính bức xạ điện từ sẽ lên tới 400 km”, trang Reporter của Nga lưu ý.
Ngoài ra giới quân sự còn chú ý đến thực tế rằng những vũ khí như vậy trong tương lai sẽ được sử dụng như một chiếc ô hạt nhân, khi việc phát nổ một đầu đạn xung điện từ sẽ làm mất độ chính xác của hàng chục ICBM.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại cũng có ý kiến phản bác cho rằng bán kính 400 km của EMP chỉ thực sự mạnh mẽ ở gần tâm vụ nổ, còn khoảng cách càng xa thì bức xạ xung điện từ càng suy giảm.
Bên cạnh đó còn phải kể đến việc các phương tiện điện, điện tử dùng trong quân sự ngày nay đều được thiết kế nhằm sẵn sàng đối phó với vũ khí xung điện từ, vì vậy hiệu quả đòn tấn công trên khó mà được như quảng cáo.
Vũ khí xung điện từ cùng với pháo ray điện từ, hay tổ hợp laser chiến đấu vẫn bị xem là còn phải hoàn thiện thêm nhiều mới đủ khả năng ứng dụng trong thực tế.
Nhưng nếu các cường quốc quân sự vẫn tập trung đầu tư thỏa đáng, những vũ khí tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng nói trên hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Bạch Dương