Ra đời từ năm 1979, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 (NATO định danh là SA-10 Grumble) được tập đoàn Almaz-Antey chủ trì phát triển với sự phối hợp của nhiều đơn vị kỹ thuật. Vì tính năng của nó quá "khủng", cho nên trước năm 1991, hệ thống chỉ tồn tại trong lòng Liên bang Xô Viết. Mãi tới khi Liên Xô tan rã, nước Nga mới bắt đầu cho phép xuất khẩu S-300 ra bên ngoài.
Vào năm 2005, Việt Nam đã trở thành một trong số ít quốc gia được phép sở hữu hệ thống tên lửa phòng không S-300 tối tân. Việt Nam được cho là đã mua 2 tiểu đoàn S-300 với tổng trị giá khoảng 300 triệu đô. Hiện nay, chúng được biên chế cho Trung đoàn 93 (Sư đoàn 377) và Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361).
S-300 có khá nhiều phiên bản với mỗi kiểu một vẻ, một tính năng, Việt Nam hiện sở hữu các hệ thống S-300PMU1 (NATO gọi là SA-20 Gargoyle) được phát triển và hoàn thiện năm 1993 với hàng loạt cải tiến hiện đại so với các thế hệ trước đó như S-300P hay S-300PS/PM của bộ đội phòng không Liên Xô - Ảnh: QĐND Online.
Theo nhà sản xuất, S-300PMU1 là hệ thống phòng không trên đất liền đầu tiên được tích hợp đạn tên lửa 48N6 (thành tựu từ việc cải tiến phiên bản hải quân S-300FM) tăng tầm bắn lên 150km, tốc độ tăng thêm, dẫn đường kiểu TVM và có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
S-300PMU-1 trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực mới - 30N6E TOM STONE có khả năng theo dõi cùng lúc 4 mục tiêu, dẫn tên lửa hạ 4 mục tiêu cùng lúc, tầm phát hiện mục tiêu lên tới 200km.
Đáng chú ý, để tăng khả năng phát hiện sớm mục tiêu cho hệ thống S-300, Việt Nam đã mua đài radar nhìn vòng bắt mục tiêu mọi độ cao 96L6 vốn trang bị cho tổ hợp tên lửa S-400. Loại này có khả năng theo dõi tới 100 mục tiêu, tầm trinh sát 300km.
Hệ thống S-300PMU1 có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu trên không ở cự ly bắn từ 5-150km, độ cao từ 10m tới 27km, có thể đánh chặn mục tiêu bay tốc độ đến 2.800m/s, tiêu diệt cùng lúc 6 mục tiêu. Lưu ý là riêng với khả năng phòng thủ tên lửa thì S-300PMU1 chỉ có thể hạ mục tiêu ở cự ly tối đa 40km.
Bên cạnh đó, cũng theo nhà sản xuất, hệ thống S-300 có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất khi thật sự cần thiết mà không còn cách nào khác.
Nó có thể bắn mục tiêu mặt đất ở cự ly tối đa tới 120km và phá hủy chúng bằng đầu đạn nổ phá mảnh sát thương diện rộng, tùy phiên bản đạn mà đầu đạn S-300 chứa 19.000 tới 36.000 mảnh thép nhỏ.
Đầu đạn như vậy vốn được thiết kế để nổ và phá hủy các máy bay tiêm kích siêu âm, tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo.
Còn dưới mặt đất nó thật sự thích hợp để sát thương bộ binh diện rộng, hoặc tấn công cơ sở quan trọng như bộ chỉ huy, kho tàng…
Video Sức mạnh của S-300 Việt Nam - Nguồn: QPVN
Hoàng Lê