Tên lửa Pukguksong-3 không thể cản đường đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều
Thế giới đang theo dõi sát mọi diễn biến liên quan, với kỳ vọng Mỹ và Triều có thể hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Bất chấp những quan ngại về các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, Mỹ - Triều vẫn quyết định nối lại đàm phán hạt nhân theo đúng kế hoạch, với cuộc gặp sơ bộ đầu tiên diễn ra vào sáng 4/10 (theo giờ địa phương) tại Stockholm, Thụy Điển.
Phái đoàn Triều Tiên do cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong Gil dẫn dầu ngày 3/10 đã tới Stockholm. Trước khi lên đường, ông Kim Myong Gil cho biết, ông đặt kỳ vọng rất cao và vô cùng lạc quan về các cuộc gặp sắp tới với phía Mỹ.
Theo kế hoạch, cuộc gặp sơ bộ giữa Phó đoàn 2 bên diễn ra vào sáng nay (theo giờ Thụy Điển). Nhiều khả năng Trưởng đoàn Triều Tiên Kim Myong Gil và Trưởng đoàn của Mỹ là Đặc phái viên Stephen Biegun, cũng sẽ có mặt bên ngoài cuộc gặp để có những cái bắt tay ngoại giao.
Ngày 5/10, hai trưởng đoàn của Mỹ - Triều mới chính thức bước vào vòng đàm phán cấp chuyên viên về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sau nhiều tháng đình trệ. Hiện địa điểm cụ thể của các cuộc gặp Mỹ - Triều vẫn được giữ kín.
Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ, với vòng đàm phán cấp chuyên viên lần này, Mỹ - Triều mong muốn tìm ra những điểm chung giữa các yêu cầu của 2 bên đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. Cụ thể, Mỹ đang đòi hỏi Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, trong khi Triều Tiên muốn Mỹ gỡ bỏ trừng phạt và đảm bảo an ninh về lâu dài. Trước khi nối lại đàm phán, cả 2 bên đều kêu gọi nhau tạo ra những bước thay đổi lớn trong lập trường, “bạo dạn hơn” để đạt được mục tiêu cuối cùng
Nhận định về việc 2 bên nối lại đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/10 khẳng định, các cuộc gặp sẽ vẫn diễn ra đúng kế hoạch bất chấp vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra trước đó 1 ngày. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng từng khẳng định ông không thấy có bất cứ vấn đề gì với hàng loạt các vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên trước đó, đồng thời tiếp tục ca ngợi về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa ông và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã xóa đi nhiều nghi ngại về vụ phóng tên lửa Pukguksong-3 ngày 2/10 của Triều Tiên sẽ làm phức tạp thêm vấn đề trong bối cảnh 2 bên sắp tiến hành đối thoại. Bởi trước đó, cả Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích không cần thiết và không có lợi cho các nỗ lực ngoại giao.
Hiện thế giới cũng đang kỳ vọng về những tiến bộ trong đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều sẽ đạt được trong lần đối thoại này. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây bày tỏ hy vọng Mỹ - Triều sẽ cùng nhau nỗ lực hơn nữa, tiếp tục duy trì sự đối thoại, để hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/10 cũng đã đánh giá cao cách thức giải quyết vấn đề Triều Tiên của người đồng cấp Mỹ: “Về vấn đề Triều Tiên, chúng ta phải công nhận sự can đảm của Tổng thống Donald Trump và khả năng của Nhà lãnh đạo Mỹ khi thực hiện các động thái phi truyền thống”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kỳ vọng việc Mỹ - Triều nối lại đàm phán là 1 cơ hội tốt để hai bên thu hẹp các khác biệt trong tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, đồng thời hi vọng 2 bên có thể nắm bắt cơ hội để đạt được kết quả tích cực. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh, Trung Quốc đã và sẽ luôn ủng hộ tiến trình đối thoại này.
Trong một diễn biến có liên quan, các nguồn tin ngoại giao mới cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) có khả năng sẽ tổ chức họp kín vào tuần tới để thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Cuộc họp được tổ chức theo yêu cầu của Đức, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh và Pháp./.