Để tiêu diệt mục tiêu bay có giá vài chục nghìn USD như UAV cảm tử Shahed-136, tiêm kích của Không quân Ukraine cần có tên lửa dẫn đường với giá thành rẻ tương ứng và họ có thể tham khảo kinh nghiệm của Mỹ.
Vào cuối năm 2019, Không quân Mỹ (USAF) đã tiến hành một loạt cuộc thử nghiệm, trong đó họ thực hành khả năng bắn hạ tên lửa hành trình cận âm và máy bay không người lái bằng tên lửa dẫn đường APKWS từ tiêm kích F-16.
Cụ thể hơn, máy bay chiến đấu F-16C thuộc Phi đội nghiên cứu số 53 của Không đoàn 85 đã được sử dụng cho các cuộc thử nghiệm này, mục tiêu là UAV mục tiêu BQM-167, sự kiện trên diễn ra tại Căn cứ Không quân Eglin ở bang Florida.
Kết quả của bài kiểm tra này đã được cổng thông tin The Drive nhấn mạnh là "chưa từng có", mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của nước Mỹ.
Các nhà phân tích của tờ The Drive nói rõ rằng thiết bị chỉ thị mục tiêu AN/AAQ-33 đã được sử dụng trên chiếc F-16C nói trên để phóng tên lửa APKWS vào các mục tiêu trên không.
Đối với tên lửa APKWS, không có thông tin cụ thể, có thể giả định rằng một đầu đạn trơ (không có chất nổ phục vụ thử nghiệm) đã được sử dụng, nhưng không loại trừ khả năng đây là đầu đạn nổ mạnh thông thường có ngòi cảm biến.
Lần đầu tiên, ý tưởng sử dụng tên lửa APKWS chống lại các mục tiêu trên không nảy sinh trong một hội nghị ở Mỹ cùng năm 2019. Điều này lập tức được chú ý, vì hình thức tiêu diệt mục tiêu trên không bằng loại đạn rẻ tiền tỏ ra rất hấp dẫn.
Khi đó, thiết bị dẫn đường AGR-20A cho phép sửa đổi rocket không điều khiển Hydra-70 thành tên lửa dẫn đường APKWS chỉ có giá 25 nghìn USD, trong khi giá thành của một tên lửa không đối không AIM-120 trong khoảng 1,16 - 1,3 triệu USD.
Đồng thời, các nhà phân tích của trang The Drive còn đưa ra một so sánh đầy thú vị - trên cùng một giá treo vũ khí của tiêm kích F-16, có thể mang một khối gồm 7 hoặc 19 tên lửa APKWS, thay vì chỉ 1 quả AIM-120 duy nhất.
Điều này chứng tỏ khả năng lợi thế không thể chối cãi của tên lửa APKWS rẻ tiền và nhỏ gọn. Ngoài ra, hệ thống treo trên tiêm kích F-16 cũng mất ít thời gian chuẩn bị hơn so với khi mang AIM-120.
Nhìn chung, câu chuyện này có thể được tóm tắt như sau - có một loại vũ khí hàng không rẻ tiền và đủ hiệu quả để tiêu diệt máy bay không người lái của đối phương có trị giá chỉ vài chục nghìn USD.
Và rõ ràng Không quân Ukraine có thể áp dụng kinh nghiệm như vậy vào năm 2024, khi những chiếc tiêm kích đa năng F-16 đầu tiên của họ dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng.
Hiện tại Quân đội Ukraine đã có khá nhiều tên lửa APKWS trong thành phần tác chiến, dùng cho cả bệ phóng mặt đất lẫn trực thăng vũ trang.
Thậm chí với gợi ý trên, ngay trong lúc này, với tiềm lực khoa học quân sự đáng nể có sẵn, Ukraine hoàn toàn có thể tích hợp tên lửa APKWS vào những chiếc tiêm kích MiG-29 của mình để "đi săn" UAV cảm tử Shahed-136.