Tên lửa siêu thanh ASN4G mới của Pháp sẽ mang sứ mệnh răn đe hạt nhân vào năm 2035

Theo báo cáo của Futura Sciences mới được công bố, tên lửa ASN4G (Air-Sol Nucleáire de 4ème Génération) của Pháp dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2035 và được thiết kế để tăng cường khả năng răn đe trong môi trường địa chính trị và công nghệ đang thay đổi.

Với sự hỗ trợ của ONERA, Tập đoàn MBDA France phát triển tên lửa hạt nhân siêu thanh phóng từ trên không này nhằm thay thế tên lửa ASMPA (Air-Sol Moyenne Porteé Amélioré) như một phần trong chiến lược răn đe hạt nhân của Pháp. ASN4G dự kiến sẽ đạt tốc độ từ Mach 6 - Mach 7, vượt xa khả năng của ASMPA. Tốc độ này, cùng với khả năng cơ động cao, sẽ cho phép tên lửa tránh được sự phát hiện và đánh chặn của các hệ thống phòng không tinh vi.

Tầm bắn của ASN4G sẽ vượt quá 1.000 km, gấp đôi tầm bắn của ASMPA và linh hoạt hơn trong hoạt động. Thông qua việc sử dụng các vật liệu chuyên dụng, tên lửa cũng sẽ có đặc điểm tàng hình, giúp giảm khả năng hiển thị radar mà vẫn chịu được các điều kiện khí động học và nhiệt độ khắc nghiệt trong khi bay. Hệ thống đẩy ASN4G dựa trên động cơ scramjet, được phát triển như một phần của chương trình PROMETHEE.

Tên lửa siêu thanh ASN4G. Ảnh: mil.in.ua

Tên lửa siêu thanh ASN4G. Ảnh: mil.in.ua

Hệ thống đẩy sử dụng công nghệ đốt hỗn hợp để chuyển đổi giữa tốc độ dưới âm và siêu thanh, đảm bảo khả năng duy trì vận tốc cao của tên lửa trên những khoảng cách xa. Thiết kế nhỏ gọn của tên lửa đảm bảo tương thích với các nền tảng hiện có, bao gồm máy bay chiến đấu Rafale F5 và các hệ thống trong tương lai như Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo (NGF) từ chương trình Hệ thống không chiến tương lai (FCAS). Nó cũng có thể được triển khai trên các tàu sân bay của Pháp.

Việc phát triển ASN4G bắt đầu vào những năm 1990 cùng với quá trình hiện đại hóa ASMPA. Năm 2014, Bộ Lực lượng vũ trang Pháp đã xác nhận chương trình này, với nghiên cứu ban đầu tập trung vào hai giải pháp chính là tàng hình và siêu tốc. Quyết định ưu tiên tốc độ siêu thanh nhằm tăng khả năng của nó trong việc xuyên thủng các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) ngày càng tiên tiến.

Chương trình PROMETHEE nghiên cứu phát triển hệ thống đẩy scramjet và các công nghệ siêu thanh khác. Các công cụ tính toán tiên tiến, như phần mềm mô phỏng CEDRE của ONERA, đã được sử dụng để tối ưu hóa thiết kế của tên lửa. Dự án cũng khám phá các ứng dụng điện toán lượng tử để nâng cao hiệu quả mô hình hóa và đẩy. Chương trình MIHYSYS, được triển khai vào năm 2024, tiếp tục hỗ trợ phát triển các công nghệ đẩy siêu thanh, bao gồm mô phỏng buồng đốt và năng cao hiệu suất đẩy.

ASN4G đang được phát triển để giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu đang phát triển và đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của Pháp vẫn đáng tin cậy cho đến những năm 2050. Nó là phản ứng với những tiến bộ trong các hệ thống phòng không và sự phức tạp ngày càng tăng của môi trường A2/AD. Bằng cách tăng cường tầm bắn, tốc độ và khả năng sống sót của kho vũ khí hạt nhân, Pháp muốn duy trì mục tiêu nắm quyền tự chủ chiến lược và thích ứng với các mối đe dọa mới nổi.

Tướng Stéphane Virem - Tư lệnh Lực lượng Không quân Chiến lược, đã lưu ý vai trò của tên lửa trong việc đảm bảo khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ của đối phương. Tương tự, Đô đốc Hervé de Bonnaventure - cố vấn cho Tổng giám đốc điều hành MBDA, đã đề cập đến những tiến bộ về công nghệ đạt được trong thiết kế của ASN4G, bao gồm khả năng tương thích với các nền tảng hiện tại và tương lai.

Sự phát triển của tên lửa cũng phù hợp với các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng rộng hơn của Pháp, bao gồm cả việc đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình không người lái được điều khiển từ buồng lái Rafale. ASN4G dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2035 với thời gian phục vụ kéo dài đến sau năm 2050.

Sự phát triển của nó thể hiện sự tiếp nối cam kết của Pháp trong việc duy trì khả năng răn đe hạt nhân độc lập và đáng tin cậy. Thông qua việc tích hợp hệ thống đẩy siêu thanh, khả năng tàng hình tiên tiến và tầm bắn mở rộng, tên lửa này nhằm mục đích đảm bảo hiệu quả khả năng răn đe của Pháp trong một môi trường an ninh ngày càng cạnh tranh.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN (biên dịch) Theo armyrecognition.com

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/ten-lua-sieu-thanh-asn4g-moi-cua-phap-se-mang-su-menh-ran-de-hat-nhan-vao-nam-2035-post1147845.vov