Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov đêm 15/12 phóng tên lửa siêu vượt âm Zircon từ Biển Trắng về phía mục tiêu trên bờ biển ở thao trường Chizha tại tỉnh Arkhangelsk.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo hôm 16/12, tên lửa Zircon bay theo lộ trình vạch sẵn và đánh trúng mục tiêu.
Video được công bố cho thấy quả đạn Zircon vọt lên từ ống phóng thẳng đứng trên hộ vệ hạm rồi lao đi trong màn đêm, nhưng không ghi lại cảnh tên lửa lao vào mục tiêu.
Tầm bắn của quả đạn tên lửa Zircon trong đợt thử nghiệm này vẫn chưa được Nga tiết lộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cho biết quá trình thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm Zircon sắp hoàn tất và loại vũ khí này sẽ được chuyển giao cho hải quân Nga từ năm sau.
Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov từng nhiều lần phóng thành công tên lửa Zircon, trong đó có đợt thử tiêu diệt mục tiêu mô phỏng tàu chiến từ khoảng cách 400 km hồi cuối tháng 11.
Nguồn tin giấu tên trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga hôm 28/11 tiết lộ công ty quốc phòng NPO Mashinostroyenia đã khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt tên lửa Zircon, dù các đợt bắn thử nghiệm cấp nhà nước vẫn đang diễn ra.
Nga dự kiến trang bị tên lửa siêu vượt âm này cho hàng loạt chiến hạm mặt nước và tàu ngầm, nhờ khả năng dùng chung bệ phóng thẳng đứng với tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa diệt hạm Oniks trong biên chế hiện nay.
Tên lửa siêu vượt âm Zircon được cho là có thể tấn công các mục tiêu trên biển và đất liền ở khoảng cách 1.000 km với tốc độ tối đa 11.000 km/h, nhanh gấp 9 lần âm thanh.
Ngoài các "siêu vũ khí" như Zircon, Nga còn chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình dùng động cơ năng lượng hạt nhân Burevestnik.
Hiện tên lửa mới chỉ được trang bị cho tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Gorshkov để thực hiện các bài đánh giá tổng thể.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Gorshkov - dự án 22350 được thiết kế bởi Severnoye Design Bureau, Saint Petersburg là chiến hạm mạnh nhất được đóng cho hải quân Nga thời kỳ hậu Liên Xô.
Mặc dù được xem là sự kế thừa của chiến hạm săn ngầm lớp Krivak nổi tiếng nhưng khác với người tiền nhiệm, lớp tàu chiến thế hệ mới này có tính đa năng rất cao.
Đô đốc Gorshkov có thể thực hiện tốt mọi chức năng bao gồm tấn công tầm xa, chống ngầm và hộ tống, do đó tàu hộ vệ dự án 22350 còn được gọi là “khu trục hạm cỡ nhỏ”.
Hải quân Nga đã lên kế hoạch đóng tới 20 tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Gorshkov, tính đến thời điểm này họ đã tiếp nhận vào biên chế 2 chiếc và dự kiến con số sẽ tăng lên 6 chiếc vào năm 2025.
Do có lượng giãn nước lên tới 4.550 tấn, lớn hơn nhiều khi đặt cạnh Buyan-M và Steregushchy cho nên lượng vũ khí mà Đô đốc Gorshkov mang theo cũng phong phú hơn rất nhiều.
Dàn vũ khí của Đô đốc Gorshkov bao gồm 1 hải pháo A-192M cỡ 130 mm; 2 cụm 8 ống phóng thẳng đứng dùng để bắn tên lửa chống hạm/ chống ngầm/ tấn công mặt đất họ Kalibr.
Ngoài ra trên tàu còn có 4 cụm 8 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa phòng không tầm trung 9M96/9M100; 2 tổ hợp tên lửa - pháo phòng không cao tốc Palash; 6 ngư lôi chống ngầm 324 mm và 2 súng máy hạng nặng 14,5 mm.
Hệ thống điện tử của tàu cũng là rất “khủng” đối với 1 chiến hạm 4.000 tấn gồm radar tìm kiếm trên không Furke 4; radar tìm kiếm bề mặt 34K1 Monolit; radar hỏa lực 5P-10 Puma dùng để điều khiển khẩu pháo A-192; hệ thống sonar Zarya M đi kèm với sonar kéo Vinyetka.
Thông số cơ bản của chiến hạm Đô đốc Gorshkov bao gồm chiều dài 135 m; chiều rộng 16,4 m, mớn nước 4,5 m.
Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp, với 2 động cơ turbine khí M90 công suất 27.500 mã lực, 2 động cơ diesel công suất 5.200 mã lực.
Con tàu có thể đạt tới tốc độ 29,5 hải lý/h, tầm hoạt động 8.300 km khi chạy với tốc độ kinh tế 14 hải lý/h.
Dự trữ hành trình của tàu chiến này là 30 ngày với số thủy thủ đoàn 180 - 210 người.
Việt Hùng