Tên lửa Starship bị Mỹ trì hoãn phóng lần 2, Trung Quốc có bước tiến ở cuộc đua lên Mặt trăng

Một tiểu ban Thượng viện Mỹ nhận được cảnh báo rằng Trung Quốc có thể dẫn đầu trong cuộc đua mới lên Mặt trăng, do các quy định không hiệu quả của chính phủ ở Mỹ làm chậm quá trình phát triển tên lửa siêu nặng SpaceX Starship.

SpaceX đang ký hợp đồng với NASA để sử dụng Starship và đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt trăng trước Trung Quốc. Chúng tôi đang thực hiện một chiến dịch đòi hỏi nhiều chuyến bay thử nghiệm sớm để nhanh chóng hoàn thiện và chứng minh các hệ thống quan trọng cần thiết để hạ cánh an toàn các phi hành gia NASA trên bề mặt Mặt trăng”, Bill Gerstenmaier, Phó chủ tịch phụ trách xây dựng và độ tin cậy chuyến bay của SpaceX, nói với Tiểu ban phụ trách Khoa học và Vũ trụ Thượng viện Mỹ.

Tên lửa Starship cao 121m, nặng 5.000 tấn vẫn đang ở trên bệ phóng ở khu vực Boca Chica (bang Texas, Mỹ), sẵn sàng cho nỗ lực phóng thứ hai kể từ đầu tháng 9, nhưng SpaceX tiếp tục phải chờ Cục Hàng không Liên bang (FAA) phê duyệt việc phóng, theo Bill Gerstenmaier.

Ông cho biết, dù bay an toàn là quan trọng nhưng sự đổi mới và duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực không gian cũng quan trọng không kém.

Chúng tôi đang ở thời điểm bước ngoặt với sự đổi mới đáng kinh ngạc trong việc phóng vào không gian tên lửa thương mại. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh có sự cạnh tranh chiến lược từ các quốc gia như Trung Quốc”, Bill Gerstenmaier nói với tiểu ban.

Việc cấp phép, gồm cả phê duyệt về môi trường, thường mất nhiều thời gian hơn việc phát triển tên lửa. Điều này không bao giờ nên xảy ra và nó chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, ông nói.

FAA là cơ quan quản lý chính về vận tải vũ trụ thương mại ở Mỹ. FAA vẫn đang xem xét dữ liệu và tác động môi trường từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Starship vào ngày 20.4. Tên lửa lớn nhất thế giới của SpaceX đã phát nổ ngay sau khi phóng do trục trặc động cơ.

Elon Musk, Giám đốc điều hành SpaceX, nói chuyến bay thử nghiệm Starship của công ty hôm 20.4 là "đúng như những gì tôi dự đoán".

Được SpaceX phóng lúc 8 giờ 33 sáng 20.4 (giờ địa phương) tại sân bay vũ trụ Starbase trên Vịnh Mexico ở Boca Chica, tên lửa khổng lồ Starship đã lộn nhào rồi phát nổ sau 4 phút bay, tạo ra “cơn lốc xoáy” đá, làm các mảnh vỡ bay cao hàng trăm mét. "Tuy nhiên thiệt hại với sân bay vũ trụ tư nhân của SpaceX ở phía nam Texas thực sự khá nhỏ”, Elon Musk nói.

Tỷ phú giàu nhất thế giới cho hay Starship đã đạt được một số cột mốc quan trọng, bay nhanh hơn tốc độ âm thanh và vượt qua phần thử thách nhất về mặt khí động học của chuyến bay.

Starship đã làm được điều đó dù ba động cơ ở giai đoạn đầu tiên không thể đánh lửa trên bệ phóng và vài động cơ khác đã tắt trong suốt chuyến bay, cuối cùng khiến nó kết thúc khi đạt độ cao tối đa khoảng 38,624km.

Thế nhưng, Elon Musk lưu ý rằng hệ thống kết thúc chuyến bay tự động, được thiết kế để phá hủy tên lửa trong trường hợp nó đi chệch hướng, mất quá nhiều thời gian (khoảng 40 giây) để bắt lửa. Điều đó có thể đồng nghĩa là SpaceX cần phải đăng ký lại với FAA.

Công ty của Elon Musk cũng phải gia cố bệ phóng bằng thép tấm làm mát với nước để thay thế bê tông đã bị vỡ và văng ra như mảnh đạn trong chuyến bay thử nghiệm Starship đầu tiên.

Đại diện SpaceX đã phát biểu trước một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ rằng FAA đang làm chậm bước tiến của Mỹ trong cuộc đua lên Mặt trăng - Ảnh: AFP

Đại diện SpaceX đã phát biểu trước một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ rằng FAA đang làm chậm bước tiến của Mỹ trong cuộc đua lên Mặt trăng - Ảnh: AFP

Năm 2021, SpaceX được NASA chọn để phát triển phiên bản tàu đổ bộ lên Mặt trăng của Starship như một phần sứ mệnh Artemis III đã được lên kế hoạch vào cuối 2025. Tên lửa khổng lồ này sẽ có nhiệm vụ vận chuyển các phi hành gia Mỹ giữa quỹ đạo Mặt trăng và bề mặt Mặt trăng, bằng cách đặt những người này xuống gần khu vực cực nam nhiều băng và sau đó đưa họ trở lại quỹ đạo Mặt trăng để trở về.

Ngay cả khi Starship đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý và vấn đề kỹ thuật khiến các quan chức NASA công khai lo lắng về mức độ sẵn sàng của nó vào năm 2025, Mỹ vẫn tiến xa hơn Trung Quốc trong việc chuẩn bị cho lần hạ cánh trên Mặt trăng với phi hành đoàn.

Sứ mệnh đổ bộ lên Mặt trăng của Trung Quốc có kiến trúc tương tự như Artemis III, được chính phủ Trung Quốc phê duyệt vào đầu năm 2023 và đang hướng tới ngày phóng trước 2030.

Phần lớn công việc phát triển tên lửa của Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu. Zhang Zhi, kỹ sư trưởng hệ thống phương tiện phóng của Trung Quốc, nói với đài truyền hình trung ương CCTV: “Trung Quốc đang nghiên cứu một thế hệ tên lửa mới dành cho các chuyến bay có người lái lên Mặt trăng và quỹ đạo Trái đất tầm thấp”.

Zhang Zhi, người thiết kế Trường Chinh 2F - tên lửa của Trung Quốc dành cho các chuyến bay có phi hành đoàn với sức phóng 8,4 tấn, cho biết: “Một trong những mẫu tên lửa sẽ có sức đẩy khi phóng lên hơn 2.600 tấn, với khả năng đưa 27 tấn hàng hóa lên quỹ đạo chuyển động của Mặt trăng”.

Yang Liwei, phi hành gia Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ cách đây 20 năm và hiện là Phó giám đốc thiết kế dự án chuyến bay vào vũ trụ có người lái của quốc gia này, nói với CCTV rằng công việc chuẩn bị sớm đã bắt đầu trong việc lựa chọn và đào tạo phi hành gia cho nhiệm vụ hạ cánh trên Mặt trăng của Trung Quốc, bao gồm việc phát triển bộ đồ phi hành Mặt trăng và học cách điều khiển xe thám hiểm trên bề mặt Mặt trăng.

Hạ cánh trên Mặt trăng không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ khám phá không gian sâu hơn và sử dụng tài nguyên từ đó để phục vụ xã hội loài người”, Yang Liwei nhấn mạnh.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ten-lua-starship-bi-my-tri-hoan-phong-lan-2-trung-quoc-co-buoc-tien-o-cuoc-dua-len-mat-trang-207879.html