Tên lửa STARStreak là vũ khí mới nhất được Anh viện trợ cho Ukraine, nó sở hữu nhiều tính năng nổi trội so với các loại tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) truyền thống như Stinger hay Igla.
Sau khi Anh tuyên bố đã bàn giao tên lửa cực nhanh STARStreak cho Quân đội Ukraine, vũ khí trên rất nhanh chóng sẵn sàng tham gia chiến đấu sau khi binh sĩ Ukraine hoàn thành công tác huấn luyện
Bộ Quốc phòng Ukraine mới đây cho biết, tên lửa STARStreak đã chính thức làm nhiệm vụ chiến đấu được hơn 1 tuần, nó là sự bổ sung đáng giá sau khi máy bay Nga đã rút kinh nghiệm đối phó với Stinger bằng cách bổ sung mồi bẫy nhiệt và tăng độ cao hoạt động.
Trong ngày 1/4, một diễn biến rất đáng chú ý đã được ghi nhận, khi một trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter của Nga bị bắn rơi trên bầu trời vùng Donbass.
Hình ảnh ghi lại cho thấy một phát đạn với vận tốc cực lớn, nhanh hơn hẳn Igla hay Stinger đã bắn trúng phần đuôi chiến trực thăng và "cắt rời" nó khỏi phần thân, ngoài ra cũng không thấy vệt khói của động cơ tên lửa hay đầu đạn phát nổ như truyền thống.
Ngay lập tức nhiều chuyên gia quân sự đã khẳng định đây chính là "tác phẩm" của tên lửa phòng không cực nhanh STARStreak, bởi nó mang nhiều đặc trưng "không thể nhầm lẫn".
Thay vì sử dụng đầu đạn phân mảnh mang thuốc nổ truyền thống, đầu đạn của STARStreak bao gồm 3 mũi tên riêng biệt, tương tự như đạn dưới cỡ nòng của xe tăng. Chúng được làm bằng vonfram rất cứng, cho khả năng xuyên thủng cả vỏ giáp của xe bọc thép.
Đây là điều giải thích tại sao sau khi tên lửa phòng không bắn trúng đuôi chiếc trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter của Nga lại không ghi nhận thấy đầu đạn phát nổ như các loại MANPADS khác.
Không chỉ có vậy, các mũi tên nói trên di chuyển với tốc độ lên tới trên Mach 3,5 (trên 3.500 km/h), cao hơn hẳn vận tốc Mach 2 của Stinger và Igla, điều này cũng hợp lý khi căn cứ vào thời điểm tên lửa đánh trúng đuôi chiếc trực thăng.
Không phải chờ đợi lâu, vào ngày 2/4, trang The Times dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh đã khẳng định những nghi ngờ nói trên, ấn phẩm cho biết tên lửa STARStreak thực sự là "tác giả" đã bắn hạ chiếc Mi-28NM Night Hunter.
Như vậy đây là chiến công đầu tiên của loại tên lửa phòng không di động được xem là độc nhất vô nhị trên thế giới hiện nay, đồng thời khẳng định thêm tính năng đáng gờm của các loại vũ khí do Anh sản xuất.
Tổ hợp phòng không này khác thường ở nguyên tắc dẫn đường khi sử dụng phương thức bám chùm tia laser chứ không phải thông qua đầu dò hồng ngoại, bên cạnh đó xạ thủ vẫn phải hướng dẫn trên toàn quá trình bay chứ không phải "bắn và quên".
Cho dù khá phức tạp nhưng phương pháp dẫn đường trên của STARStreak có tác dụng vô hiệu hóa mọi thủ thuật gây nhiễu thông qua mồi bẫy hay khí tài "làm lóa mắt" đầu dò tên lửa mà các máy bay chiến đấu cũng như trực thăng Nga đang sử dụng.
Hiện tại chưa rõ số lượng cụ thể tên lửa phòng không cực nhanh STARStreak đã được Anh cung cấp cho Quân đôi Ukraine, nhưng con số ít nhất cũng ở mức trên 100 tổ hợp.
Về phần mình, Nga cảnh báo mọi hành động cung cấp vũ khí cho Ukraine đều được coi là thù địch và tuyên bố sẽ phá hủy mọi đoàn xe viện trợ quân sự khi chúng vượt biên giới vào lãnh thổ Ukraine.
Bạch Dương