Nga đã thành công trong việc tiêu diệt lựu pháo M777 Ukraine bằng tên lửa tầm xa Izdeliye 305. Nhà báo Part Satam của tạp chí Ấn Độ EurAsian Times đã viết về điều này.
Như tác giả lưu ý, trực thăng Ka-52 Alligator của Nga đã sử dụng một cách hiệu quả tên lửa dẫn đường đa năng không đối đất hạng nhẹ (LMUR) có tên gọi Izdeliye 305 (Sản phẩm 305).
Loại vũ khí chính xác cao này đã được trình diễn lần đầu tiên tại diễn đàn Army-2021. Theo nhà báo Satam, Quân đội Nga đã có cơ hội tuyệt vời để thử nghiệm loại đạn nói trên trong tình huống chiến đấu thực tế, khi tấn công các cơ sở và thiết bị quân sự của Quân đội Ukraine.
“Quân đội Nga đã sử dụng tên lửa Izdeliye 305 mới nhất ở Ukraine, đây dường như là một cuộc thử nghiệm trực tiếp trên chiến trường. Ý tưởng là ngăn Ukraine tái vũ trang và giảm khả năng xung đột lâu dài".
"Cách tiếp cận nói trên dường như đã hiệu quả, vì có báo cáo rằng Lực lượng vũ trang Ukraine đang cạn kiệt đạn pháo và mất gần như toàn bộ kho vũ khí pháo dã chiến từ thời Liên Xô", tờ báo Ấn Độ nói rõ.
Tên lửa Izdeliye 305 không chỉ được phóng từ trực thăng tấn công Ka-52 mà còn từ Mi-28NM, trong tương lai nó sẽ còn được tích hợp trên nhiều nền tảng mang phóng khác nhau của Không quân Nga.
Một tính năng quan trọng của LMUR là khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 14,5 km. Tên lửa mang đầu đạn nặng 25 kg, nhắm tới đối tượng bị tấn công thông qua hệ thống quang điện tử đa chế độ.
“Bản thân tên lửa nặng 105 kg, có chiều dài gần 2 mét và đường kính thân 200 mm. Nó bay với tốc độ 230 m/s và có thể phóng từ độ cao 100 đến 600 mét. 'Sản phẩm 305' sử dụng đầu dò ảnh nhiệt, kết hợp chế độ dẫn đường vệ tinh quán tính kết hợp”, tờ EurAsian Times lưu ý.
Như tác giả bài báo nhấn mạnh, công nghệ điều khiển tên lửa cho phép phi hành đoàn trực thăng điều chỉnh hướng bay trên không ở khoảng cách lên đến 50 km.
Chuyên gia quân sự người Ấn Độ cũng hướng sự chú ý đến thực tế rằng chiến dịch quân sự đặc biệt đóng vai trò là nền tảng tuyệt vời để Nga tinh chỉnh nhiều hệ thống vũ khí.
Đặc biệt phải liệt kê ra đây là hệ thống dẫn đường cho pháo binh, bắn tầm xa, hỗ trợ trên không bằng trực thăng, sử dụng và chống lại UAV. Hơn nữa, Liên bang Nga có thể lấy được một số mẫu vũ khí phương Tây chuyển giao cho Quân đội Ukraine.
“Các lực lượng vũ trang của Nga đã trở nên có kinh nghiệm chiến đấu với một đối thủ mạnh, trái ngược với Quân đội Mỹ và các nước châu Âu, vốn đã chiến đấu với các lực lượng phi chính quy trong một thời gian dài".
"Trớ trêu thay, Liên bang Nga cũng nhận được rất nhiều pháo, tên lửa chống tăng và tên lửa dẫn đường do Mỹ, Anh, Đức và Ba Lan sản xuất”, nhà báo Part Satam giải thích.
Tuy vậy, theo một số chuyên gia quân sự phương Tây thì tên lửa Izdeliye 305 của Nga cũng chỉ là sản phẩm mang nặng tính quảng cáo, nó không có gì nổi bật so với AGM-65 Maverich của Mỹ hay thậm chí Spike-NLOS do Israel chế tạo.
Việt Dũng