Tên lửa Trung Quốc vỡ tan trên quỹ đạo thấp, tạo ra đám mây mảnh vỡ

Theo nhiều tổ chức theo dõi mảnh vỡ không gian, một trong những tên lửa đẩy Trường Chinh 6A của Trung Quốc đã vỡ tan trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp và tạo ra một đám mây mảnh vỡ gồm hàng trăm mảnh.

Tên lửa Trường Chinh 6A được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên vào thứ Ba vừa rồi để đưa 18 vệ tinh G60 vào quỹ đạo, đánh dấu lần triển khai đầu tiên cho chòm sao Thousand Sails của nhóm Công nghệ vệ tinh Shanghai Spacecom.

Chòm sao vệ tinh khổng lồ này khi hoàn thành sẽ bao gồm 1.296 vệ tinh và có kế hoạch mở rộng năng lực lên khoảng 14.000 chiếc để cạnh tranh với vệ tinh Starlink của SpaceX.

 Tên lửa Long March 6A mang theo 18 vệ tinh đã cất cánh vào thứ Ba từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên của Trung Quốc. Ảnh: AP

Tên lửa Long March 6A mang theo 18 vệ tinh đã cất cánh vào thứ Ba từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên của Trung Quốc. Ảnh: AP

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang tiếp tục theo dõi các mảnh vỡ và cung cấp thông tin cho NASA. Rob Margetta, nhân viên phụ trách quan hệ công chúng tại trụ sở NASA, cho biết: "Không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với Trạm vũ trụ quốc tế được quan sát thấy do sự cố này".

Lượng mảnh vỡ được theo dõi đã thay đổi theo giờ vào thứ Năm, bắt đầu với hơn 50 mảnh vỡ được Mạng lưới cảm biến toàn cầu của Slingshot Aerospace theo dõi. Sau đó, Bộ tư lệnh Không gian Mỹ cho biết họ đang theo dõi hơn 300 mảnh vỡ.

Hiện tại, dữ liệu radar từ tổ chức theo dõi LeoLabs đã xác nhận rằng sự kiện này đã tạo ra ít nhất 700 mảnh vỡ và có khả năng lên tới hơn 900 mảnh.

Theo Slingshot, người ta tin rằng tên lửa đã vỡ ra ở độ cao 810 km so với bề mặt Trái đất và các mảnh vỡ gây ra "mối nguy hiểm đáng kể cho các vệ tinh quỹ đạo thấp" ở độ cao dưới 800 km. Để so sánh, Trạm Vũ trụ Quốc tế đang quay quanh Trái đất ở độ cao khoảng 408 km.

Những rủi ro thực sự của đám mây mảnh vỡ sẽ không được biết cho đến khi các chuyên gia có cơ hội phân tích đầy đủ, có thể mất thêm một hoặc hai ngày nữa. Và lý do khiến tên lửa vỡ vẫn chưa được biết.

Một thân tên lửa Long March 6A khác đã phát nổ trong một khu vực quỹ đạo Trái đất thấp có mật độ vệ tinh dày đặc vào ngày 12/11/2022 và hơn 500 mảnh vỡ phát nổ đã phân tán trong phạm vi từ 320 đến 1.500 km, làm tăng nguy cơ va chạm với các vệ tinh.

Theo LeoLabs, hiện nay có gần 1.000 thân tên lửa bị bỏ hoang trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp và con số này tiếp tục tăng do số vụ phóng tăng lên khi nhiều quốc gia tập trung vào tham vọng không gian của mình.

Hoàng Anh (theo CNN, NASA, AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ten-lua-trung-quoc-vo-tan-tren-quy-dao-thap-tao-ra-dam-may-manh-vo-post307122.html