Tencent bị soán 'ngôi vương' ở Trung Quốc bởi nhà sản xuất rượu Mao Đài
Với mức vốn hóa bị thổi bay hơn 600 tỉ đô la kể từ đầu năm 2021, Tập đoàn công nghệ và game Tencent đánh mất ngôi vị công ty lớn nhất Trung Quốc vào tay Công ty Kweichow Moutai (Quý Châu Mao Đài), nhà sản xuất rượu Mao Đài nổi tiếng.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy rủi ro chính sách quản lý và triển vọng tăng trưởng u ám đã tác động lớn như thế nào đến ngành công nghệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cổ phiếu của Tencent tại Hồng Kông đã giảm 64% kể từ lập mức đỉnh vào tháng 1-2021, làm vơi 623 tỉ đô giá trị thị trường của tập đoàn này. Đó là mức tổn thất vốn hóa lớn nhất so với bất kỳ công ty đại chúng nào khác trên toàn cầu trong cùng thời kỳ khi cổ phiếu Tencent bị bán tháo do triển vọng kinh doanh của tập đoàn này sa sút. Tính đến thời điểm thị trường đóng cửa tại Hồng Kông vào thứ Sáu, mức định giá của Tencent thấp hơn Kweichow Moutai khoảng 5,4 tỉ đô la.
Sự suy sụp của Tencent, vốn hướng đến công ty nghìn tỉ đô la thứ hai của châu Á vào đầu năm 2021, phản ánh nhiều rủi ro mà lĩnh vực công nghệ và video game đang đối mặt. Việc Bắc Kinh siết chặt quản lý đối với các công ty game cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của đất nước vẫn là những trở ngại lớn nhất cho triển vọng phục hồi của Tencent.
Kenny Wen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Công ty KGI Asia nói: “Không có chất xúc tác tích cực nào cho Tencent trong nửa cuối năm này, vì thu nhập của công ty sẽ tiếp tục chịu áp lực từ môi trường vĩ mô yếu kém. Và thậm chí nếu kinh tế vĩ mô cải thiện, chúng ta đang vẫn ở trong thời đại thắt chặt tiền tệ, vì vậy, các ngân hàng trung ương khó có thể quay trở lại chính sách nới lỏng tiền tệ sớm”.
Kweichow Moutai vẫn là thương hiệu mạnh, đại diện cho loại rượu bạch tửu (rượu trắng) độc đáo, được xem là quốc tửu trong nền văn hóa Trung Quốc. Công ty này có thể được hưởng lợi nhờ chính sách thúc đẩy tiêu dùng của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tencent, chủ sở hữu ứng dụng tin nhắn WeChat và cũng là công ty game lớn nhất Trung Quốc, đang đối mặt thách thức tứ bề. Việc các cơ quan quản lý chậm phê duyệt game mới cũng như giới hạn thời gian chơi cho trẻ vị thành niên tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tencent. Chính sách ‘zero Covid’ nghiêm ngặt của Bắc Kinh và các đợt đóng cửa lẻ tẻ do lệnh phong tỏa đã cản trở tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo trực tuyến của Tencent. Một đợt bán tháo mạnh hơn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ hơn nữa cũng đang gây áp lực cho cổ phiếu Tencent.
Theo Ngân hàng Morgan Stanley, những thách thức đó đã tác động đến các quỹ đầu tư nắm giữ cổ phiếu Tencent dài hạn. Ngân hàng này cho biết các nhà đầu tư đã bán ròng khoảng 30 tỉ đô la trị giá cổ phiếu Tencent trong năm nay, tính đến ngày 20 -9, với tốc độ bán tăng nhanh gần đây. Những cổ đông kiểm soát cũng đang bán cổ phiếu Tencent.
Hồi đầu tháng 9, Prosus, công ty đầu tư của Tập đoàn công nghệ và internet Naspers (Nam Phi) đã bán thêm 1,12 triệu cổ phiếu Tencent, tương đương 1 % cổ phần khi đã bán 2% cổ phần của Tencent trong những tháng đầu năm. Hiện Prosus vẫn còn nắm 27,99% cổ phần của Tencent là vẫn là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này.
Tháng trước, các nhà phân tích của Morgan Stanley hạ dự báo thu nhập của Tencent vì cho rằng tăng trưởng mảng game chậm hơn và triển vọng bất ổn đối với mảng quảng cáo có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu trong quí 3 của Tencent.
Câu chuyện gây chú ý trên thị trường chứng khoán Trung Quốc là cú lao dốc của cổ phiếu Tencent. Cổ phiếu Kweichow Moutai dù ít được quan tâm hơn, đã chứng tỏ được phần nào khả năng trụ vững trước cơn biến động của thị trường. Cổ phiếu của nhà sản xuất rượu Mao Đài chỉ giảm 8,7% trong năm nay, thấp hơn 14 điểm phần trăm so với mức giảm của chỉ số CSI 300 (theo dõi 300 cổ phiếu hạng A trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến).
Kweichow Moutai đang trên đà vượt các mục tiêu tăng trưởng doanh số trong năm 2022 và có thể là công ty được hưởng lợi lớn từ bất kỳ sự phục hồi tiêu dùng nào nếu Trung Quốc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19.
Các nhà đầu tư hiện đang chia rẽ về triển vọng đối với Tencent. Theo Jian Shi Cortesi, Giám đốc đầu tư Công ty GAM Investment Management, cổ phiếu Tencent đang được “định giá quá rẻ” và rủi ro chính sách đã lên đến đỉnh điểm. Nhưng những người khác không bị thuyết phục bởi lập luận đó, cho rằng triển vọng lợi nhuận trong tương lai của Tencent có vẻ hạn chế.
“Khi một ngành cần phải dựa vào việc cắt giảm chi phí để duy trì tỷ suất lợi nhuận, điều đó có nghĩa là nó đang ở cuối giai đoạn trưởng thành. Tencent là một ví dụ điển hình. Không có phương pháp kiếm tiền nào của Tencent được chứng minh là động lực thúc đẩy doanh thu có ý nghĩa. Tôi không xem xét mua ngay cổ phiếu Tencent dù mức định giá có vẻ rẻ”, Sun Jianbo, Chủ tịch Công China Vision Capital, nhận định.
Hồi đầu tháng này, Financial Times dẫn các nguồn tin cho hay Tencent đã vạch ra chiến lược thoái vốn 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ đô la) trong danh mục vốn cổ phần niêm yết trị giá 88 tỉ đô la của tập đoàn này.
Đây là một phần trong chuyển động lớn hơn của Tencent nhằm giảm chi phí khi tăng trưởng kinh tế chậm lại trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và các hạn chế liên quan đến chính sách ‘zero Covid’ đang gây sức ép lên nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, Tencent là cổ đông lớn nhất của nền tảng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc, Meituan.
Theo Bloomberg, Financial Times
Khánh Lan