Tesla sẽ gây 'sốc' với loại pin đột phá, siêu bền, siêu rẻ cho xe điện?
Thị trường ô tô điện toàn cầu có chứng kiến bước ngoặt nhờ sự ra đời của một loại pin siêu bền, giá thành thấp hay không?
Câu hỏi này sẽ được trả lời vào ngày 22/9 - thời điểm Tesla, hãng xe điện hàng đầu của Mỹ, công bố chi tiết công nghệ năng lượng mới do chính họ chế tạo.
Dự đoán bí mật của công nghệ pin mới
Theo thông báo cách đây vài ngày của Tesla, loại pin mới sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, mở rộng thời gian vận hành của xe lên hơn 400 dặm (khoảng 643km). Nhờ đó giải quyết ưu tiên hàng đầu của hãng xe điện này bấy lâu nay, đó là làm cách nào để giảm chi phí sản xuất và đưa xe điện vào ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Phải đến 22/9 - ngày mà Tesla gọi là “Ngày Pin xe điện”, chi tiết về công nghệ pin xe điện mới được công bố cụ thể. Nhưng đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều nguồn tin cho rằng, mẫu “siêu pin” của Tesla được phát triển dựa trên những ý tưởng như sử dụng hợp chất hóa học không dùng cobalt hoặc có mức cobalt thấp; sử dụng phụ gia, chất liệu, lớp vỏ hóa học có thể giảm áp lực bên trong và cho phép pin tích nhiều năng lượng, từ đó hoạt động trong thời gian dài.
“Để có thể sản xuất xe điện rẻ tương đương xe sử dụng động cơ đốt trong, giá pin xe điện phải được đưa về ngưỡng 100 USD/kWh”, ông James Frith, người đứng đầu chuyên mục Tài chính Năng lượng Mới thuộc hãng tin Bloomberg tại London nhận định. Theo ông, giá pin hiện nay là khoảng 147USD/ kWh đã giảm khá nhiều từ mức 1.000 USD/kWh năm 2010 và 381 USD/kWh năm 2015.
Nhà phân tích CFRA Research, ông Garrett Nelson cho rằng, có lẽ điểm quan trọng nhất trong pin lithium-iron phosphate mà Tesla chuẩn bị ra mắt đó là không sử dụng nguyên liệu cobalt bởi hiện tại nguyên tố này cực đắt và hiếm khiến chi phí pin xe điện đẩy lên cao. Hiện nay, dù giá cobalt đã giảm mạnh từ 95.000 USD/tấn trong năm 2018 xuống còn 30.000 USD/tấn nhưng vẫn chưa đủ để giảm giá pin xe điện.
Ngoài ra, để giảm giá pin, theo một số nhà nghiên cứu trong ngành, Tesla đang xây dựng kế hoạch thực hiện một quy trình sản xuất pin tự động tốc độ cao, nhằm giảm chi phí lao động, tăng năng suất trong các siêu nhà máy khổng lồ lên 30 lần so với quy mô của nhà máy sản xuất pin mà hãng hiện có tại bang Nevada, Mỹ.
Bên cạnh đó, Tesla còn nghiên cứu để tái chế những kim loại đắt như: Nickel, cobalt, lithium thông qua công ty chi nhánh Redwood Materials và tái sử dụng pin xe điện trong hệ thống mạng lưới dự trữ như một hệ thống mà Tesla đang xây dựng ở Nam Australia vào năm 2017.
Kỳ vọng làm thay đổi ngành chia sẻ xe thế giới
Không chỉ mang đến chi phí sản xuất rẻ, loại pin mới được hứa hẹn cho phép xe chạy hàng triệu dặm. Nhờ đó, một số chuyên gia ước tính, nếu loại pin này thực sự hiệu quả, nó có thể được sử dụng trong ngành chia sẻ xe, một ngành đòi hỏi phải sử dụng ô tô liên tục.
Một số chuyên gia như ông Brett Smith, Giám đốc công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Ô tô ở Ann Arbor, bang Michigan cho rằng, ý tưởng này quá xa vời và còn một chặng đường dài trước khi tới được đích.
Nhìn về tương lai gần, ông Smith kỳ vọng, khác biệt lớn nhất mà công nghệ pin mới có thể tác động đó là đưa xe điện vào đời sống. “Người tiêu dùng sẽ không còn coi loại xe này là một lựa chọn lạ lẫm, xa vời, nhờ đó thúc đẩy thị phần xe EV trong tổng doanh số xe mới bán ra trên thế giới (hiện đang chiếm 2% trong năm 2019)”, ông Smith nói.
Bà Shirley Meng, nhà khoa học về vật liệu và Giáo sư tại Đại học California San Diego, Mỹ đang giảng dạy tại Trung tâm Năng lượng Bền vững của trường này cho biết, Tesla đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong mục tiêu giảm sử dụng cobalt khi sản xuất pin sau khi hợp tác với ông Jeff Dahn, Giáo sư tại Đại học Dalhouie, Canada, một chuyên gia pin và dự trữ năng lượng.
“Tương lai của loại pin mới vừa bền vừa rẻ như hãng xe điện của Mỹ công bố khá thực tế. Tôi hy vọng chúng ta có thể đạt được mục tiêu đó muộn nhất là vào năm 2025. Pin Lithium-iron phosphate và các phiên bản nâng cấp sẽ có vai trò quan trọng trong tương lai xe điện và về cơ bản giúp thay đổi việc trữ pin trên quy mô lớn”, bà Meng nhận định.