Tesla thắng phiên tòa đầu tiên liên quan Autopilot ở Mỹ sau vụ tai nạn chết người
Tesla hôm 31.10 đã thắng trong phiên tòa đầu tiên ở Mỹ trước những cáo buộc rằng tính năng hỗ trợ lái xe Autopilot của họ đã dẫn đến tai nạn chết người.
Đây là chiến thắng lớn cho nhà sản xuất ô tô điện Mỹ khi phải đối mặt với một số vụ kiện khác và các cuộc điều tra liên bang liên quan đến công nghệ tương tự.
Phán quyết này đại diện cho chiến thắng lớn thứ hai của Tesla trong năm nay, trong đó bồi thẩm đoàn đã từ chối kết luận rằng phần mềm Autopilot của công ty này bị lỗi.
Tesla đã thử nghiệm và tung ra tính năng Autopilot cùng hệ thống Full Self-Driving (FSD) tiên tiến hơn, mà Giám đốc điều hành Elon Musk quảng cáo là rất quan trọng với tương lai của công ty nhưng lại chịu sự giám sát pháp lý và từ cơ quan quản lý.
Kết quả hôm 31.10 tại tòa án dân sự cho thấy lập luận của Tesla đang có sức thuyết phục: Khi có sự cố xảy ra trên đường, trách nhiệm cuối cùng thuộc về người lái xe.
Vụ kiện dân sự được đệ trình lên Tòa thượng thẩm quận Riverside (bang California, Mỹ) cáo buộc Autopilot đã khiến chiếc Model 3 của chủ sở hữu Micah Lee đột ngột rẽ khỏi đường cao tốc phía đông Los Angeles với tốc độ 65 dặm/giờ (105 km/giờ), tông vào một cây cọ và bốc cháy. Tất cả sự việc diễn ra chỉ trong khoảng vài giây.
Tài liệu tòa án cho thấy vụ tai nạn năm 2019 đã khiến Micah Lee thiệt mạng và hai hành khách trên ô tô điện Tesla bị thương nặng. Trong đó có một cậu bé 8 tuổi phải phẫu thuật mổ bụng. Phiên tòa bao gồm cả lời khai khủng khiếp về thương tích của hai hành khách và nguyên đơn yêu cầu Tesla bồi thường 400 triệu USD cộng với các khoản bồi thường trừng phạt.
Tesla từ chối trách nhiệm pháp lý, nói rằng Micah Lee đã uống rượu trước khi ngồi sau tay lái ô tô điện. Công ty của Elon Musk cũng lập luận rằng không rõ liệu Autopilot có hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn hay không.
Bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên tuyên bố nhận thấy chiếc ô tô điện Tesla không có lỗi sản xuất. Phán quyết được đưa ra vào ngày nghị án thứ tư, với tỷ lệ bỏ phiếu là 9-3.
Jonathan Michaels, luật sư của nguyên đơn, bày tỏ sự thất vọng với phán quyết nhưng nói trong một tuyên bố rằng Tesla đã "đối mặt với áp lực lớn" trong phiên tòa.
Ông nói: “Việc bồi thẩm đoàn cân nhắc kéo dài cho thấy phán quyết vẫn mang lại cảm giác không chắc chắn”.
Tesla cho biết ô tô điện của hãng được thiết kế tốt và khiến đường phố trở nên an toàn hơn. Công ty cho biết trong một tuyên bố: “Kết luận của bồi thẩm đoàn là đúng đắn”.
Tesla đã giành chiến thắng trong cuộc phiên tòa trước đó ở thành phố Los Angeles (Mỹ) vào tháng 4, với chiến lược là công ty đã thông báo cho tài xế rằng công nghệ của họ cần có con người giám sát, bất chấp tên gọi Autopilot và Full Self-Driving.
Vụ án đó đề cập đến một vụ tai nạn, trong đó chiếc Model S lao vào lề đường và làm tài xế bị thương. Các bồi thẩm đoàn nói với Reuters sau phán quyết rằng họ tin rằng Tesla đã cảnh báo với tài xế về hệ thống của công ty và tài xế mất tập trung là nguyên nhân.
Bryant Walker Smith, giáo sư luật ở Đại học Nam Carolina, cho biết kết quả trong cả hai trường hợp cho thấy "bồi thẩm đoàn của chúng ta vẫn thực sự tập trung vào ý tưởng về người ngồi ở ghế lái phải chịu trách nhiệm cuối cùng”.
Trường hợp ở quận Riverside có các vấn đề liên quan đến hệ thống lái xe mà có vẻ đặc biệt và không giống với các vụ kiện khác, theo Matthew Wansley, cựu cố vấn chung của nuTonomy - công ty khởi nghiệp về lái xe tự động, đồng thời là Phó giáo sư tại Trường Luật Cardozo.
Trong các vụ kiện khác, các nguyên đơn cáo buộc Autopilot được thiết kế bị lỗi, khiến người lái xe sử dụng sai tính năng này. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn ở Riverside chỉ được yêu cầu đánh giá xem liệu lỗi sản xuất có ảnh hưởng đến hệ thống Autopilot hay không.
Matthew Wansley nói: “Nếu là bồi thẩm đoàn, tôi sẽ thấy điều này thật khó hiểu”.
Trong phiên tòa ở Riverside, luật sư của nguyên đơn đã cho bồi thẩm đoàn xem bản phân tích an toàn nội bộ của Tesla năm 2017 xác định "lệnh lái không chính xác" là một khiếm khuyết, liên quan đến góc lái lớn "quá mức".
Một luật sư của Tesla cho biết phân tích này không xác định được khiếm khuyết mà nhằm giúp công ty giải quyết bất kỳ vấn đề nào về mặt lý thuyết có thể phát sinh với ô tô điện. Sau đó, Tesla đã thiết kế một hệ thống ngăn Autopilot thực hiện việc rẽ gây ra tai nạn.
Tại phiên tòa, Eloy Rubio Blanco (kỹ sư Tesla) đã bác bỏ gợi ý của luật sư nguyên đơn rằng công ty đặt tên cho tính năng hỗ trợ lái xe của mình là Full Self-Driving vì muốn mọi người tin rằng hệ thống của họ có nhiều khả năng hơn thực tế.
“Tôi có nghĩ các tài xế nghĩ rằng phương tiện của chúng tôi là xe tự lái không? Không”, Eloy Rubio Blanco nói, theo bản ghi âm tại phiên tòa mà hãng tin Reuters có được.
Tesla đang phải đối mặt với cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ về cáo buộc ô tô điện của họ có thể tự lái. Ngoài ra, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ đã điều tra hiệu suất của Autopilot sau khi xác định hơn chục vụ tai nạn, trong đó ô tô Tesla tông vào các phương tiện khẩn cấp đang đứng yên.
Nhà phân tích Sam Abuelsamid của hãng Guidehouse Insights cho biết những tuyên bố từ chối trách nhiệm của Tesla mang lại cho công ty sự bảo vệ mạnh mẽ trong một vụ kiện dân sự.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai cũng sẽ gặp khó khăn nếu muốn đánh bại Tesla trước tòa về yêu cầu bồi thường trách nhiệm pháp lý. Đây là điều cần được các cơ quan quản lý xem xét".