Tết '3 không' của Trạm trưởng kiểm lâm giữa rừng núi đại ngàn
Giữa đại ngàn Cúc Phương nguyên sinh âm u, tĩnh mịch, ít ai biết rằng, nhiều năm qua, những kiểm lâm tại Trạm Kiểm lâm số 1 (Trạm Đăn) vẫn sống, làm việc và đón những cái Tết '3 không': không sóng điện thoại, không điện lưới, không Internet.
Trạm Kiểm lâm số 1 (người dân bản địa gọi là Trạm Đăn) nằm cách cổng rừng Cúc Phương (Ninh Bình) khoảng hơn 10km. Trạm Đăn nằm lạc lõng bên vệ đường. Khung cảnh nơi đây khá âm u, tĩnh mịch.
Những ngày Tết Nguyên đán 2023, Trạm Đăn chỉ còn một vài kiểm lâm thay phiên nhau trực Tết.
Là khu vực thuộc rừng nguyên sinh nên đến nay, Trạm Đăn vẫn chưa được "phủ" Internet, sóng điện thoại, điện lưới. Đó là điều không tưởng, ít ai biết sự thiếu thôn này của các kiểm lâm. Bởi vậy, anh Đỗ Anh Dũng – Trạm trưởng Trạm Đăn thường gọi đùa là cuộc sống "3 không".
Anh Đỗ Tiến Dũng (SN 1969) đã có 25 năm gắn bó với Trạm Đăn. Cũng từng ấy thời gian, nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của anh Dũng và các cán bộ kiểm lâm đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ rừng xanh.
Họ đã và đang thay phiên nhau cùng đón những cái Tết "3 không" giữa đại ngàn u tịch.
Anh Dũng cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán, anh Dũng đã phân chia lịch nghỉ để các "anh em" ai cũng được đón Tết cùng người thân và khi trở lại Trạm Đăn, ai nấy đều kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ.
Anh Dũng tâm sự: "Năm nào cũng vây, chúng tôi ở đây coi như là ăn 2 lần Tết, lo chu đáo ở trạm xong lại về gia đình. Khi trở lại thì mang hoặc mua luôn đồ ăn cho Trạm trong cả tuần".
Cũng bởi không có điện lưới mà nhiều năm qua, những cán bộ kiểm lâm nơi đây phải tự sáng tạo cách bảo quản thực phẩm.
"Giữa đại ngàn này, suối chính là tủ lạnh lưu trữ thực phẩm, bánh chưng. Chúng tôi bọc thực phẩm bằng túi nilong và ngâm xuống suối. Bằng cách này, thực phẩm có thể lưu trữ được rất lâu", anh Dũng cho hay.
Song, giữa rừng nguyên sinh "3 không", suối không chỉ là tủ lạnh lưu trữ thực phẩm của các cán bộ kiểm lâm, suối còn là điều hòa nhiệt độ, là vòi hoa sen, là lavabo rửa mặt và kiêm luôn chiếc máy phát nhạc cho cán bộ, chiến sĩ trực trạm và những năm qua, trong rừng nguyên sinh không có sóng, không điện, đương nhiên điện thoại, radio và tivi cũng không có tác dụng, nhưng các anh vẫn sinh hoạt và làm việc hiệu quả.
Theo anh Dũng, Trạm Đăn có 6 thành viên, quản lý gần 6.000ha rừng. Cũng bởi rừng là vàng nên lâm tặc luôn tìm cơ hội đáp trả để thoát thân mỗi khi chạm mặt kiểm lâm.
Bởi vậy, trong hành trình canh giữ cánh rừng, anh Dũng cũng như đồng nghiệp nhiều lần từng đối mặt, bị đáp trả đến gãy xương sườn, đổ máu. Thậm chí, có những người phải hưởng chế độ thương binh hoặc nhiều lần suýt bỏ mạng sau những lần chạm mặt lâm tặc.
Một trong những vụ đối đầu với lâm tặc căng thẳng nhất xảy ra cách đây 4 năm khi anh Dũng và đồng nghiệp đang đi tuần tra thì phát hiện 3 đối tượng đăng săn bắt động vật hoang dã. Ngay khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm truy đuổi đã bị lâm tặc dùng súng săn đáp trả khiến một cán bộ bị thương nặng và hiện nay đang được hưởng chế độ thương binh.
Anh Dũng kể, trong quá trình đi tuần tra, chỉ cần sơ sẩy chút là bị ngã. Anh em sau một buổi tuần tra về là cả người đầy vết xây xước.
Vất vả, gian nan là vậy nhưng với anh Dũng và những cán bộ kiểm lâm tại Trạm Đăn, dù rừng nguyên sinh rộng gần 6.000 ha nhưng các anh em nơi đây lại thuộc như lòng bàn tay.
Bởi vậy, những chuyến đi tuần xuyên đêm không đèn, không tiếng động, mà chỉ được sử dụng ám hiệu đã trở nên quen thuộc và là "nguyên tắc" bất thành văn của lực lượng kiểm lâm Trạm Đăn.
Khi bên ngoài cánh rừng Cúc Phương, các gia đình đang hân hoan đoàn tụ đón năm mới ấm áp thì các cán bộ kiểm lâm vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đi rừng. Với các anh, mỗi sáng thức dậy được đi vào rừng không chỉ nhiệm vụ, mà còn là thỏa mãn đam mê.