Tết ấm áp ở Bệnh viện điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam
Khác với các bệnh viện khác, Tết Nguyên đán ở Bệnh viện Nhân Ái phần lớn bệnh nhân tình nguyện xin ở lại ăn Tết trong viện.
Những ngày này, trong khuôn viên Bệnh viện Nhân Ái (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) chộn rộn khác thường bởi không khí Tết tràn ngập. Đây là bệnh viện điều trị điều trị HIV/AIDS lớn nhất Việt Nam và cũng là bệnh viện xa nhất, khó khăn nhất của TP.HCM.
9 giờ, hàng trăm bệnh nhân từ các khoa, phòng tỏa ra khắp khuôn viên và hành lang bệnh viện. Người lau dọn phòng và hành lang, người trang hoàng phòng bệnh, trang trí cây mai và mâm ngũ quả... với không khí tất bật, tiếng trò chuyện vui vẻ, rôm rả.
Ở đây ngày Tết trở thành ngày sum họp đặc biệt của đại gia đình Nhân Ái. Mặc dù hàng ngày phải đối diện với những cơn đau, nhiều người sức khỏe bị suy giảm miễn dịch nhưng Tết đến, ở Bệnh viện Nhân Ái vẫn đủ đầy với việc gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả. Họ trang trí cây đào, cây mai và cùng quây quần, rộn ràng lời ca tiếng hát bên nhau đón đợi thời khắc năm mới đến.
Tết là thời điểm đặc biệt mà và với các bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân Ái, họ càng háo hức chờ đợi hơn.
Sáng Mùng 1 Tết, trong không khí rộn ràng vui xuân, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ chuyên khoa II Trần Kim Anh sẽ cùng lãnh đạo các khoa, phòng trực tiếp đến thăm gặp, gửi những lời chúc năm mới tốt đẹp, những phong bao lì xì đến bệnh nhân đang phải đón cái tết xa nhà nơi đây.
Gắn bó từ những ngày đầu bệnh viện mới được thành lập, anh Bùi Văn Tiến, Phó phòng Công tác xã hội, cho biết bệnh nhân của bệnh viện chủ yếu là người nghiện ma túy, vô gia cư, tham gia băng đảng…
Trong đó, nhiều người là những tay anh chị giang hồ có số má, được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện của thành phố về. Ngoài nhiễm HIV, họ còn mang trong mình nhiều bệnh cơ hội khác như bệnh lao, phổi, gan, da… với thể trạng suy kiệt.
Ban đầu, khi đến viện, họ thường có thái độ bất hợp tác, hung hăng, chống đối, quậy phá, thậm chí tấn công lại người chăm sóc mình.
"Mỗi con người đều có hai mặt, mặt thiện và ác. Khi vào Nhân Ái, các bệnh nhân nhận được sự chăm sóc và quan tâm, mặt ác bị cái thiện của họ lấn át. Họ xác định Nhân ái là ngôi nhà thứ hai, nhiều người khỏe lên về với cộng đồng nhưng hầu hết quay trở lại Nhân Ái", anh Bùi Văn Tiến chia sẻ.
Không những bệnh nhân xem Bệnh viện Nhân Ái là gia đình thứ hai, mà các bác sĩ, điều dưỡng ở đây cũng vậy.
Tính đến Tết 2024 là gần 20 năm, anh Bùi Văn Tiến và bác sĩ Lê Văn Hạng, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhân Ái, không về miền Bắc ăn Tết mà ở lại bệnh viện. Cùng với đó là hàng trăm nhân viên y tế túc trực ngày đêm. Tất cả gắn kết lại với nhau để bù đắp tình yêu thương cho bệnh nhân, san sẻ cùng họ.
Điều đặc biệt của Nhân Ái đó là nơi không chỉ thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương, kéo bệnh nhân từ cõi chết trở về, mà còn là nơi ươm tình yêu đẹp của rất nhiều cặp vợ chồng y, bác sĩ. Trong số 363 nhân viên y tế đang làm việc ở bệnh viện, có gần 200 người kết đôi thành vợ chồng.
Những ngày Tết, các cháu là con của các nhân viên y tế theo chân bố mẹ vào trong viện tham gia các hoạt động vui chơi như gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, phụ bố mẹ và các cô, chú, bác bệnh nhân dọn dẹp, trang hoàng khuôn viên bệnh viện. Những hoạt động như vậy giúp gắn kết bệnh nhân với nhân viên y tế và nhiều năm qua, bệnh viện rất ít có nhân viên xin chuyển công tác.
Và cũng như các bệnh nhân, các y bác sĩ, nhân viên y tế ở Nhân Ái coi bệnh viện là gia đình, ngôi nhà thứ hai của họ.
Tết sẽ là khoản thời gian họ bận rộn hơn khi vừa chăm sóc bệnh nhân, vừa tham gia các hoạt động đón xuân, khoảng thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Nhưng niềm vui, hạnh phúc ấm lòng nhất đối với họ là sự tiến triển sức khỏe và nụ cười của bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân đã đến Nhân Ái trong tình trạng suy sụp, sức khỏe kiệt quệ nhưng với sự nỗ lực từng ngày của bản thân và hết lòng chăm sóc của y bác sĩ, họ đã khỏe mạnh trở lại và trở về với gia đình, với cộng đồng. Họ được tái sinh.
Kim Vân / Sức Khỏe & Đời Sống