Tết ấm áp với người nghèo

Các cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp kiểm tra, không để hộ nào thiếu Tết

(HNM) - Trên nền các túp lều cũ nát, những ngôi nhà mới hoàn thành như mang theo mùa xuân ấm áp hơn, đủ đầy hơn về với nhiều hộ nghèo trên địa bàn Thủ đô. Và với thu nhập dần ổn định từ vườn cây, ao cá, trang trại… người người, nhà nhà “vui như Tết”.

Niềm vui giản đơn, thiết thực...

Con đường dẫn đến xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) những ngày giáp Tết dường như đông vui hơn mọi ngày. Vốn là xã nghèo của Hà Nội với phần đông là đồng bào dân tộc Mường, đời sống người dân nơi đây còn vô vàn khó khăn. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thượng Nguyễn Chí Thủy vào thôn Gò Đá Chẹ, di chuyển qua những tuyến đường quanh co, gập ghềnh, thấp thoáng vài nếp nhà đơn sơ nhấp nhô trên vạt đồi, nương chè, ruộng lúa… càng cảm nhận rõ những khó khăn của bà con.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Thủy trầm tư khi chia sẻ: “Khánh Thượng không chỉ là xã miền núi nghèo nhất của Hà Nội mà còn là xã xa xôi, hẻo lánh nhất huyện Ba Vì. Điều kiện tự nhiên và giao thông đều không thuận lợi cho phát triển kinh tế, dân sinh. 81% lao động trong xã trông vào nguồn thu từ canh tác nông nghiệp với diện tích khoảng 600ha, trong đó, cây lúa và dong riềng là chủ yếu. Người dân có chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng quy mô nhỏ lẻ… Vì thế, cái nghèo đói cứ đeo bám mãi”. Rồi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Thủy như vui hơn khi nhắc đến thời điểm Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo vay vốn phát triển kinh tế, giúp nâng cao đời sống nông dân Khánh Thượng từng ngày…

Dừng chân tại nhà anh Đặng Quang Quý, ở thôn Gò Đá Chẹ, có thể cảm nhận được cuộc sống người dân đã khá lên. Bất chấp cái rét buốt ngày đông vùng núi Ba Vì, nụ cười anh nông dân Đặng Quang Quý vẫn bừng sáng. Anh hồ hởi kể: “Ban đầu, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thành phố, tôi theo học lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mừng nhất là nhờ nguồn vốn vay ban đầu của Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội với số tiền 50 triệu đồng, gia đình đã mạnh dạn trồng cam Cao Phong. Hằng năm lại được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn với mức tăng dần, nhờ đó gia đình tôi có vườn cam cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm”.

Rời Ba Vì, chúng tôi đến với xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ) cũng là một trong những xã nghèo. Cùng vợ là chị Lê Thị Tuyết dọn nhà cửa đón xuân, anh Nguyễn Văn Chín, ở thôn Ngọc Giả, hồ hởi, nói: “Căn nhà vừa được xây dựng trong năm 2018 nhờ đồng vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội”. Theo lời Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Hòa Nguyễn Thị Thuyết, gia đình anh Chín là hộ nghèo nhiều năm, nhà ở dột nát, vợ phải chạy thận đã lâu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ hộ nghèo xây nhà ở của Ngân hàng Chính sách xã hội (25 triệu đồng) cùng số tiền xã hội hóa từ anh em, dòng họ, láng giềng, gia đình anh Chín đang được sống trong ngôi nhà khang trang…

Tại xóm Đầm (xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ), chúng tôi bắt gặp nụ cười hạnh phúc của bà Trần Thị Toàn. Bà xúc động kể, gia đình bà vốn là hộ nghèo nhiều năm, 3 người con (2 trai, 1 gái) đều ngoan, học giỏi. Trước đây, vợ chồng bà chỉ trông vào vài sào ruộng nên vô cùng khó khăn. Hiện nay, con trai cả của bà là Nguyễn Nghĩa Nam, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, đã được vay 20 triệu đồng; con trai thứ hai Nguyễn Nghĩa Ninh, Đại học Công nghệ giao thông - Vận tải tiếp tục làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để ăn học… Việc học tập của các cháu không còn là nỗi canh cánh trong lòng.

Chắp cánh ước mơ

Niềm vui của anh Quý, anh Chín hay bà Toàn có được trước thềm xuân này là nhờ chính sách tín dụng cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang được Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai hiệu quả. Những đồng vốn chính sách không chỉ tạo “cần câu” cho các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn mà những cán bộ tín dụng chính sách còn luôn đồng hành với họ, động viên họ nỗ lực vươn lên…

Câu chuyện của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Đinh Thị Hòa là một ví dụ: Để đồng vốn chính sách đến đúng đối tượng, những cán bộ tín dụng đã khảo sát, hướng dẫn tận tình, tìm đúng đối tượng cần hỗ trợ… Giúp người dân thuận lợi trong thủ tục vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã mở các điểm giao dịch tại xã. Cụ thể, tại huyện Ba Vì đã có 31/31 điểm giao dịch tại UBND các xã, thị trấn. Trước đây, khi giao dịch với ngân hàng phải đi tới 70 cây số, nhiều hộ phải thuê xe ôm, tốn kém chi phí và thời gian. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố mở điểm giao dịch tại xã rất thuận lợi cho các hội, đoàn thể tham gia ủy thác vay vốn, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay. Mọi thủ tục (giao nộp hồ sơ, giải ngân, thu nợ, thu lãi…) được thực hiện tại điểm giao dịch xã…

Cũng cần nói thêm về mô hình điểm giao dịch xã: Ở đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhận được sự sẻ chia thiết thực từ chính quyền cơ sở và cán bộ ngân hàng. Họ được giãi bày tâm tư, nguyện vọng khi vay vốn phát triển kinh tế; được tư vấn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất...

Minh chứng cho điều đó, Chủ tịch UBND xã Chương Dương (huyện Đông Anh) Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, cùng với nguồn vốn tín dụng được giải ngân, UBND xã còn tổ chức 40 lớp tập huấn kỹ thuật, 14 lớp đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động cho vay vốn. Trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân, các hội, đoàn thể vừa kiểm tra, vừa tư vấn, góp ý, trao đổi với các hộ vay về việc sử dụng vốn và cách thức đầu tư sao cho đạt hiệu quả cao nhất…

Về chương trình tín dụng cho các hộ nghèo, hộ chính sách vay vốn phát triển kinh tế, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội Nguyễn Kim Phung cho hay, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt, từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TƯ, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn này ngày càng tăng. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 40 với những con số rất thuyết phục: Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TƯ, đã có hơn 487.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn; gần 170.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm; hơn 17.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ học tập; hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo 3.906 căn nhà cho hộ nghèo…

“Trước mắt, năm 2020 này, ngân hàng phấn đấu bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chúng tôi tiếp tục đồng hành với người dân, cùng người nghèo viết tiếp những ước mơ để những mùa xuân, cái Tết ấm áp luôn về với mọi người, mọi nhà…” - ông Nguyễn Kim Phung nói.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/956075/tet-am-ap-voi-nguoi-ngheo