Tết Âm lịch 2025 và chế độ hưởng lương người lao động nhất định phải biết
Người lao động có có được nhận lương bằng tiền mặt để về quê ăn tết không và nếu đi làm thêm giờ dịp Tết Nguyên đán 2025, chế độ tiền lương sẽ tính như thế nào?
Tết Nguyên đán 2025, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết, 4 ngày nghỉ hàng tuần, từ ngày 25/1 - 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng).
Người lao động có được nhận lương bằng tiền mặt để về quê ăn tết không và nếu đi làm thêm giờ dịp Tết Nguyên đán 2025, chế độ tiền lương sẽ tính như thế nào? Đây là điều đang được người lao động quan tâm.
Người lao động có được nhận lương bằng tiền mặt để về quê ăn tết không?
Theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Như vậy, đối với việc khi đến Tết Âm lịch 2025 người lao động có được nhận lương bằng tiền mặt để về quê ăn tết hay không còn tùy thuộc vào hình thức giao kết ban đầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Nếu trường hợp hai bên giao kết hình thức trả lương bằng phương thức chuyển khoản nhưng tháng về quê người lao động có nhu cầu nhận tiền mặt thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về vấn đề này để được nhận lương bằng tiền mặt.
Nghỉ Tết âm lịch năm 2025 có được hưởng lương không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ làm việc trong những ngày lễ, tết và được hưởng nguyên lương theo quy định.
Như vậy, nghỉ Tết âm lịch năm 2025 có được hưởng lương.
Cách tính tiền lương làm thêm giờ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Căn cứ Khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ như sau:
“Điều 98. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1.Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2.Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.”.
Như vậy, người lao động làm vào ngày nghỉ lễ, Tết được hưởng lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Cụ thể theo hướng dẫn tại Điều 55 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết của người lao động được tính như sau:
- Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết đối với người lao động hưởng lương theo thời gian:
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% x Số giờ làm thêm
- Tiền lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, nghỉ tết đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm:
Tiền lương làm thêm giờ = Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 300% x Số sản phẩm làm thêm
Trong đó, tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường, được xác định bằng: Tiền lương thực trả của công việc đang làm thêm giờ / tổng số giờ thực tế làm việc.
Lưu ý:
- Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết.
- Trường hợp làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
Người lao động có được xin nghỉ thêm sau Tết Âm lịch không?
Theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương cụ thể như sau:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Như vậy, theo quy định trên thì khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch đã kết thúc mà người lao động muốn xin nghỉ thêm sau Tết thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động bằng cách nghỉ không hưởng lương.
Tuy nhiên, đối với trường hợp này cần phải có sự đồng ý của công ty hoặc phải xin phép trước trong một thời gian hợp lý.
Mặc khác, người lao động còn có thể sử dụng ngày phép năm để xin nghỉ thêm sau dịp Tết Âm lịch theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 nhưng phải thông báo trước cho người sử dụng lao động.