Tết ấm trong những gia đình đa thế hệ

Men theo những con đường hương sắc cỏ hoa mùa Xuân, chúng tôi đến thăm những gia đình nhiều thế hệ. Trong thời khắc giao thoa của trời đất, nhìn con cháu sum vầy, nghe ông, cha kể về việc gìn giữ nền nếp gia phong, chuẩn bị đón năm mới may mắn, bình an, chúng tôi như được đắm mình trong không gian Tết ấm áp, sum vầy.

Con cháu mời trà, chúc sức khỏe cụ, ông bà dịp đầu năm mới là phong tục đẹp được nhiều gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”... gìn giữ, duy trì

Áp Tết, mái nhà bốn thế hệ sinh sống của ông Hoàng Xuân Mai, đồng bào dân tộc Mường ở khu Bần 1, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn rộn ràng, tất bật, vui tươi hơn bao giờ hết. Trong khoảng sân nhỏ, ông Mai và con cháu quây quần trao đổi, trò chuyện những công việc chuẩn bị để đón năm mới theo phong tục của đồng bào Mường. Duy trì mô hình nhiều thế hệ cùng sinh sống đã giúp gia đình ông Mai và nhiều hộ gìn giữ được nền nếp gia phong, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đẹp của dân tộc.

Tết Nguyên đán là dịp để các gia đình nhiều thế hệ đồng bào Mường quây quần, sum họp. Ông cha giáo dục, truyền dạy nét văn hóa lâu đời thông qua nhạc cụ, đồ dùng, câu hát... truyền thống của dân tộc

Ông Hoàng Xuân Mai cho biết: “Tết Nguyên đán hàng năm là dịp các thành viên trong gia đình tụ họp, sum vầy đầy đủ sau một năm dài bận công việc, học hành, ít có cơ hội trò chuyện, gắn kết bên nhau. Mọi người cùng quây quần làm những món ăn dân tộc như: Xôi ngũ sắc, măng chua, rau xôi, nộm nâu, giò trứng…để dâng lên tổ tiên trong những ngày Tết”. Riêng với những người cháu của ông Mai, Tết còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn bởi được chiêm ngưỡng “bảo tàng” dân tộc Mường được thu nhỏ trong chính ngôi nhà của mình, được nghe giới thiệu những vật dụng mới mà ông đã thu thập, sưu tầm, bổ sung trong năm. Rời xóm núi, chúng tôi đến thăm gia đình “tứ đại đồng đường” của cụ Đào Xuân Thiều, xóm Nội, xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì. Cụ Thiều đã bước sang tuổi chín mươi lăm, không thể quán xuyến được công việc trong gia đình như trước nhưng người con trai cả và các cháu, chắt vẫn gìn giữ gia phong, phong tục truyền thống của gia đình.

Gia đình ông Nguyễn Hoàng Phúc, xóm Si, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì cùng con cháu cắm hoa dâng lên bàn thờ tổ tiên nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Ông Đào Xuân Minh, người con trai cả của cụ Thiều chia sẻ: Vào ngày hai mươi sáu tháng Chạp, con cháu sẽ tập trung tại nhà con trưởng, cùng di chuyển đến nhà trưởng họ để đi tảo mộ, thắp hương, dâng hoa, quả thành kính tưởng nhớ, mời ông bà, tổ tiên về đón Tết cổ truyền cùng con cháu. Đến ngày mùng một Tết, cả gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm đầu năm mới; con cháu cùng nhau chúc sức khỏe, mừng tuổi và nhận tiền phát vốn từ ông bà. Hai năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh COVID- 19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, các thành viên trong gia đình sẽ gọi điện thoại chúc Tết họ hàng thay cho việc đến nhà trực tiếp.
Ông Minh cho biết thêm, dù bận rộn đến đâu, năm nào gia đình cũng tổ chức gói bánh chưng để dâng lên ông bà, tổ tiên. Vào ngày hai mươi chín tháng Chạp, từ sáng sớm, cả nhà chia nhau công việc để làm bánh chưng. Từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, ai cũng háo hức mong chờ lúc bánh chín. Đây cũng dịp để cha mẹ truyền dạy lại kinh nghiệm cho con cháu cách gói bánh sao cho chặt, đẹp mắt. Ngồi canh nồi bánh chưng đón giao thừa, ông bà, con cháu cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm về năm cũ và những dự kiến trong năm mới.

Tết Nguyên đán 2022 gần kề cũng là lúc gia đình ông Quách Hữu Vinh và bà Đại Thị Lan, khu 6, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao tất bật chuẩn bị đón Xuân về. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, bà Lan dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua sắm đồ dùng cần thiết. Bên cạnh việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống,... trang hoàng nhà cửa cũng được các thành viên trong gia đình cùng thực hiện. Ngắm cành đào, cây quất được cắm, trồng gọn gàng, những đóa cúc Vạn Thọ khoe sắc vàng bên hiên nhà thấy được sự chỉn chu, tỉ mỉ của gia chủ. Ông Vinh cho biết: “Sắm sửa lễ vật, hoa quả, dâng lên bàn thờ gia tiên ngày Tết là công việc quan trọng nhất. Đó là phong tục đẹp, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, cũng là cách giáo dục cho thế hệ sau tiếp nối truyền thống của gia đình, dân tộc”. Mâm ngũ quả với đủ thứ quả màu vàng, đỏ biểu trưng cho may mắn, tài lộc cùng bánh chưng tự làm, mứt, rượu cũng được gia đình chuẩn bị chu đáo, bầy trang trọng trên bàn thờ thể hiện lòng thành kính của con cháu với ông bà, tổ tiên cũng như ước mong năm mới sung túc, bình an. Mâm cơm tất niên được gia đình ông bà chuẩn bị thịnh soạn chiều 30, trước là rước ông bà về ăn Tết với con cháu, sau là cả nhà sum họp bên nhau. Tết ở mỗi gia đình “tam, tứ đại đồng đường...” luôn thấm đượm hương vị cổ truyền. Đây là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống, phong tục tốt đẹp của người Việt từ bao đời nay.

Khánh Duy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202202/tet-am-trong-nhung-gia-dinh-da-the-he-182436